Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử cũng có một vài thẩm phán không mắc “căn bệnh” này, vẫn xem xét giảm án cho bị cáo kháng cáo kêu oan nếu có căn cứ.
Theo tôi, tòa cấp phúc thẩm phải xem xét việc giảm án cho bị cáo dù bị cáo chỉ kháng cáo kêu oan trong các trường hợp sau: Thứ nhất, bị cáo có tình tiết giảm nhẹ chưa được tòa cấp sơ thẩm xem xét. Hoặc sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc, bị cáo hoặc gia đình bị cáo đã bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả... Thứ hai, tòa cấp phúc thẩm xét thấy mức án của tòa cấp sơ thẩm là quá nghiêm khắc so với tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của bị cáo. Thứ ba, tòa cấp phúc thẩm áp dụng khung hình phạt nhẹ hơn trong cùng một điều luật đối với bị cáo.
Điều 10 BLTTHS hiện hành (xác định sự thật của vụ án) quy định: CQĐT, VKS và tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.
Từ nguyên tắc này, Điều 241 BLTTHS hiện hành (phạm vi xét xử phúc thẩm) quy định: Tòa cấp phúc thẩm xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị. Nếu xét thấy cần thiết thì tòa cấp phúc thẩm có thể xem xét các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án. Cũng từ nguyên tắc này và trên tinh thần có lợi cho bị cáo, khoản 2 Điều 249 BLTTHS (sửa bản án sơ thẩm) quy định: Nếu có căn cứ, tòa cấp phúc thẩm có thể giảm hình phạt hoặc áp dụng điều khoản BLHS về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn; giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo cho cả những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị. Khoản 3 Điều 249 quy định: Trong trường hợp VKS kháng nghị hoặc người bị hại kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt hoặc áp dụng điều khoản BLHS về tội nặng hơn mà nếu có căn cứ, tòa cấp phúc thẩm vẫn có thể giảm hình phạt, áp dụng điều khoản BLHS về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn, giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo...
Như vậy, việc tòa cấp phúc thẩm cho rằng bị cáo chỉ kháng cáo kêu oan, không kháng cáo yêu cầu giảm nhẹ hình phạt nên quyết định không giảm hình phạt cho bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm là trái quy định của pháp luật. Đặc biệt, không hề có quy định nào cho phép tòa cấp phúc thẩm được lập luận như vậy trong bản án. Kêu oan là quyền của bị cáo, còn với nhiệm vụ xem xét toàn diện và đầy đủ để xác định sự thật và trên tinh thần có lợi cho bị cáo, tòa cấp phúc thẩm hoàn toàn có quyền giảm án cho bị cáo nếu có căn cứ.
ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao