Bị cáo giả điên chạy tội

Liên tục phạm tội

Trong tháng 3-1996, Trần Công Sang cùng Phạm Huy Cường và bốn người bạn liên tiếp thực hiện nhiều vụ cướp, giết.

Khuya 12-3-1996, chúng đến phường 18 (quận Tân Bình) đuổi chém một người chạy xe máy, cướp xe đem bán. Chiều 21-3-1996, chúng hẹn một người chạy xe ôm đến khu đất trống tại phường 2. Khi người này đến, Sang đưa 20.000 đồng cho đi mua thuốc về chích. Đợi tài xế phê thuốc, chúng dùng dây dù siết cổ nạn nhân chết rồi lấy xe. Tiếp đó, đêm 31-3-1996, chúng nhào vào đánh một thanh niên dừng xe trên đường Cộng Hòa để cướp xe. Sáng hôm sau, chúng bị công an bắt khi mang xe đi bán (Cường trốn thoát). Sau đó, Sang (kẻ cầm đầu) lãnh án tử, các đồng bọn khác lãnh án tù về hai tội giết người, cướp tài sản.

Bị cáo Cường giả điên tại phiên xử.
Bị cáo Cường giả điên tại phiên xử.

Giả điên

Riêng Cường năm 2002 mới bị bắt theo lệnh truy nã và thừa nhận mình phạm tội trong hai vụ trước và chối tội trong vụ thứ ba. Tuy nhiên, hồ sơ và lời khai của đồng bọn đều khẳng định Cường có tham gia nên VKSND TP đã truy tố Cường trong cả ba vụ.

Thấy Cường có những biểu hiện lạ, TAND TP.HCM đã trưng cầu giám định tình trạng tinh thần của Cường. Theo kết quả giám định, Cường bị rối loạn sự thích ứng, có hội chứng suy nhược, đủ năng lực trách nhiệm hình sự nhưng hiện tại chưa đủ năng lực ra tòa, cần điều trị một thời gian. Vì thế, tòa đã tạm đình chỉ vụ án, đưa Cường đi chữa bệnh bắt buộc.

Sau một thời gian, bệnh viện kết luận Cường đã bình phục nhưng có biểu hiện giả bệnh chủ ý, không cần điều trị nữa mà có thể đưa ra xử. Vụ án được phục hồi và từ đó Cường phủ nhận mọi tội phạm. Mỗi lần trích xuất bị can, Cường đều không chịu làm việc, không trả lời câu hỏi của điều tra viên, chỉ nói bâng quơ, vẻ mặt ngơ ngẩn, có biểu hiện giả bệnh. Lần này VKSND TP vẫn cương quyết truy tố Cường.

Không thoát án tù chung thân

Tại tòa, Cường cứ cười cười, cứ đưa tay lên xuống rồi xoa xoa vào nhau, không trả lời tòa. Tòa hết lời thuyết phục, lúc nhẹ nhàng, lúc cương quyết nhưng đều không ăn thua. Thế là hội đồng xét xử đành thay nhau đọc từng tài liệu cho Cường nghe. Thậm chí tòa còn giơ cao cho Cường thấy chữ ký cùng dòng xác nhận của Cường trong bản khai nhằm cho Cường hiểu nếu không hợp tác thì chỉ bất lợi nhưng Cường vẫn rất cương quyết giả điên.

Hơn chục lần, mỗi lần đọc một tài liệu, tòa phải hỏi lại khoảng vài lần là bị cáo có ý kiến gì không rồi mới nhờ thư ký ghi biên bản là bị cáo không có ý kiến. Không ít lần tòa bảo Cường ngồi xuống, đứng dậy nhưng Cường một mực làm lơ. Mọi hiệu lệnh của tòa đối với Cường đều phải có sự hỗ trợ của cảnh sát áp giải.

Tại phần tranh luận, VKS đề nghị phạt Cường án tử hình. Luật sư của Cường thì nói hành vi phạm tội của Cường đã rõ nhưng cần xem xét việc Cường chỉ là đồng phạm. Lúc bỏ trốn, Cường bị tai nạn chấn thương sọ não nên nhận thức có phần hạn chế, đồng thời gia đình Cường có công với cách mạng, đã bồi thường một phần... Đây là các tình tiết giảm nhẹ nên luật sư đề nghị tòa xử nhẹ hơn.

Cuối phiên xử, Cường vẫn “diễn phim câm” nên phần nói lời sau cùng không thực hiện được. Cuối cùng, tòa kết luận Cường giả bệnh có chủ ý nhưng chỉ phạm tội với vai trò đồng phạm tích cực. Mặt khác, tòa chấp nhận các tình tiết giảm nhẹ luật sư nêu để phạt Cường án tù chung thân.

Thoát án tử, theo cảnh sát ra xe về trại, bị cáo miệng vẫn cười cười, tay vẫn xoay xoay...

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm