Theo hồ sơ, tháng 5-2013, Phạm Văn Vượng được ông NQĐ (nguyên Tổng Giám đốc Công ty CPTM - Du lịch Bản Đôn) thuê thu gom, dọn dẹp vệ sinh cây rừng cho công ty. Theo Cơ quan CSĐT Công an huyện Buôn Đôn, lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của công ty, Vượng đã thuê bốn người vừa thu gom vừa khai thác trái phép khoảng 77 m3 gỗ rừng do công ty quản lý.
Uống cà phê với bị can, người liên quan
Trong cáo trạng lần đầu hồi tháng 3-2014, VKSND huyện Buôn Đôn đã truy tố Vượng cùng bốn người làm thuê về tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng theo khoản 2 Điều 175 BLHS (khung hình phạt từ hai năm đến 10 năm tù). Về phần ông Đ., VKS cho rằng ông này không có hành vi chỉ đạo Vượng câu kết với các đối tượng còn lại để khai thác trái phép lâm sản nên không phải chịu trách nhiệm hình sự. Đầu năm 2014, HĐQT Công ty Bản Đôn đã miễn nhiệm chức danh tổng giám đốc đối với ông Đ. là phù hợp.
"Sau đó, TAND huyện Buôn Đôn mở phiên xử rồi ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung để làm rõ số lượng gỗ mà các bị cáo khai thác trái phép".
Tháng 2-2015, VKS huyện này ra cáo trạng lần hai, truy tố Vượng và bốn đồng phạm theo khoản 1 Điều 175 BLHS (khung hình phạt từ phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm) vì đã khai thác trái phép 37 m3 gỗ rừng.
Sau nhiều lần hoãn xử do ông Đ. (tòa xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) vắng mặt không lý do, tháng 4-2015, TAND huyện Buôn Đôn đã đưa vụ án ra xét xử. Tại tòa, Vượng khai chính ông Đ. đã chỉ đạo Vượng khai thác gỗ trái phép nhưng CQĐT lại không xem xét khởi tố ông này là bỏ lọt người phạm tội. Điều này dẫn đến việc Vượng bị xem xét với vai trò chủ mưu trong vụ án.
Để chứng minh, Vượng đã cung cấp băng ghi âm cho thư ký phiên tòa mở ngay tại tòa. Theo đó, khi vụ án đang trong giai đoạn điều tra, Vượng, ông Đ. và ông TVT (Đội trưởng Đội kinh tế Công an huyện Buôn Đôn) đã ngồi uống cà phê. Trong băng ghi âm cuộc nói chuyện tại quán cà phê này có đoạn mà Vượng cho rằng ông T. đã hướng dẫn Vượng khai sai sự thật để bao che cho ông Đ.: “Làm sao đó thì làm, tao chỉ gợi ý vậy thôi. Gợi ý cho mày nữa, có lợi cho công ty. Mày có khai ra thì mày kéo ông ấy vào thì mày cũng chừng đó tội… Đừng có một tư tưởng không vững vàng, không được để lộ ông Đ. Nói như vậy, anh cũng gợi ý như vậy, làm cho nó tuyệt đối”. Trước diễn biến trên, tòa lại hoãn xử để trả hồ sơ điều tra bổ sung nhằm làm rõ trách nhiệm của ông Đ.
Tháng 6-2015, VKSND huyện Buôn Đôn ra cáo trạng lần ba. Theo cáo trạng lần này, Vượng khai ông Đ. là người trực tiếp thuê và cho Vượng khai thác gỗ trái phép nhưng hiện ông Đ. không có mặt tại địa phương. CQĐT đã triệu tập nhiều lần để làm việc nhưng ông Đ. không có mặt nên không đủ cơ sở để chứng minh...
Ông Phạm Văn Vượng cho rằng CQĐT đã bỏ lọt tội phạm với người chủ mưu gây bất lợi cho ông. Ảnh: N.NGA
Công an “bí” vì ông Đ. vắng mặt!
Tháng 7-2015, VKSND tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu VKSND huyện Buôn Đôn rút hồ sơ vụ án từ tòa để trả lại cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Buôn Đôn tiếp tục điều tra làm rõ vì có vi phạm tố tụng. Ngoài ra, VKS tỉnh còn cho biết việc Vượng tố cáo ông TVT (đội trưởng Đội kinh tế Công an huyện) cùng một phó viện trưởng VKS huyện, một phó thủ trưởng cơ quan CSĐT công an huyện có hành vi nhận hối lộ, làm sai lệch hồ sơ vụ án đã được VKS tỉnh chuyển cho Cục Điều tra VKSND Tối cao xác minh.
Tháng 9-2015, Cơ quan CSĐT Công an huyện Buôn Đôn đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can đối với Vượng với lý do: Đã hết thời hạn điều tra bổ sung mà vẫn chưa có kết luận giám định giọng nói được ghi âm do Vượng cung cấp cho CQĐT liên quan đến tố cáo của Vượng trong vụ án.
Để làm rõ hơn vụ việc, chúng tôi đã liên hệ với Công an huyện Buôn Đôn nhưng Đại tá Nguyễn Hữu Lương (Thủ trưởng Cơ quan CSĐT công an huyện) nói bận đi công tác. Một phó thủ trưởng cơ quan CSĐT (cũng là người bị Vượng tố cáo nhận hối lộ) thì bảo không có sự chỉ đạo của Đại tá Lương nên không thể trả lời bất cứ câu hỏi nào của PV.
Trong khi đó, Đại úy Nguyễn Lưu Nguyên (Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp, người đang trực tiếp thụ lý hồ sơ) nói: “Chúng tôi ba lần vào TP.HCM, trong đó có hai lần cùng VKS huyện để tìm nơi ở của ông Đ. nhưng cũng chỉ xác minh được nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và ông ấy không có ở nhà. Cho tới giờ này chưa chứng minh ông Đ. có dấu hiệu phạm tội nên chưa thể khởi tố được. Sau khi khởi tố bị can mới áp dụng được biện pháp ngăn chặn, nếu bỏ trốn tụi tôi sẽ truy nã. Nếu người làm chứng mà mời họ không đến thì tụi tôi áp giải. Còn ông Đ. không thuộc hai trường hợp trên và cũng không biết ông này đang ở đâu. Chúng tôi bí rồi”.
Khi được hỏi, lãnh đạo VKSND tỉnh Đắk Lắk chỉ cho biết: “Vụ án đang tạm đình chỉ, khi nào có kết quả giám định thì chúng tôi sẽ cung cấp thông tin sau”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn biến mới.
Chờ Cục Điều tra VKSND Tối cao xem xét Vụ án này tòa đã trả hồ sơ nhiều lần, chúng tôi đã gửi hồ sơ đi giám định khoảng ba tháng rồi. Khi nào có kết quả giám định lúc đó mới xem xét có đồng phạm hay không. Chúng tôi đã làm việc với ông T., ông ấy có thừa nhận có ngồi cà phê nhưng là để động viên ông Vượng nhận tội. Giờ ông ấy bị tai biến nên đã về hưu. Nếu cán bộ có vi phạm thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Còn giờ thì cứ để cho Cục Điều tra họ xem xét đã. Một lãnh đạo VKSND huyện Buôn Đôn |