Sản phụ Lại Thị H. (ngụ TP.HCM) nhập một bệnh viện phụ sản vào ngày 11-3-2019 trong tình trạng vỡ ối ở tuần thứ 23. Sau 3 ngày theo dõi tại bệnh viện, chị được bác sĩ chỉ định chấm dứt thai kỳ vì cơ hội sống sót của bé rất thấp.
Trong tâm lý hoảng loạn, chị H. tìm đến BV Quốc tế Hạnh phúc (Bình Dương) để thăm khám lại với niềm hi vọng mong manh. Tại đây, chị được tư vấn giữ thai, tuy nhiên phải chuẩn bị tâm lý chấm dứt thai kỳ bất cứ lúc nào.
BS Cam Ngọc Phượng trình bày về phác đồ "giờ vàng" hiệu quả với trẻ sinh non cực nhẹ cân. Ảnh: HL
Trực tiếp thăm khám cho thai phụ, TS-BS Lê Văn Hiền, cố vấn cấp cao sản- phụ khoa của BV Quốc tế Hạnh Phúc, cho hay chỉ định chấm dứt thai 23 tuần vỡ ối không hề sai. Ngoài việc đối diện sẽ mất đứa con trong bụng, người phụ nữ sẽ không thể có cơ hội làm mẹ lần nữa do việc giữ thai rất dễ gây nhiễm trùng tử cung, thậm chí mất mạng.
“Do đó, chúng tôi đã tư vấn rất kỹ cho sản phụ tính mạng của người mẹ sẽ là ưu tiên số 1. Nếu cố gắng quá thì con cũng mất mà người mẹ sẽ gặp nguy hiểm và không thể có con được nữa”, BS Hiền nhớ lại.
Với hy vọng kéo dài được thai kỳ đến tuần 28 thì đột nhiên vào tuần 26, các bác sĩ buộc phải cho bé ra đời vì người mẹ có dấu hiệu nhiễm trùng, nước ối vẫn tiếp tục ra, bé không thể phát triển được nữa thậm chí mất tim thai trong môi trường cạn kiệt nước ối. Do đó, khoa hồi sức sơ sinh được thông báo để can thiệp ngay khi bé vừa ra đời. Mặc dù chỉ nặng 800gr nhưng nhờ được chăm sóc bằng phác đồ “giờ vàng” thực hiện ngay tại phòng sanh, sức khỏe bé được kiểm soát tốt, ổn định.
Bé trai hiện tại đã hơn 2 kg và khỏe mạnh. Ảnh: AK
Học hỏi và đem phác đồ “giờ vàng” trên thế giới áp dụng tại BV, TS-BS Cam Ngọc Phượng - Chủ tịch Hội đồng Chuyên khoa Nhi Sơ sinh & Hồi sức Sơ sinh vủa BV này, cho hay với thai kỳ 23 tuần, thế giới không khuyến cáo giữ thai bởi nếu có sống được, trẻ sẽ có di chứng não về sau rất cao. May mắn là thai kỳ của người mẹ được kéo dài đến 26 tuần. Điểm ưu việt của phác đồ "giờ vàng" không chỉ giữ lại tính mạng của bé mà còn giúp trẻ sống khỏe mạnh sau này. Phác đồ này đã được BV áp dụng từ tháng 2-2019 với 32 trẻ dưới 32 tuần tuổi thai đang mang lại hiệu quả.
Niềm vui của những gia đình có con sinh non từng được cứu sống tại BV và phát triển khỏe mạnh. Ảnh: HL
Theo đó, ngay khi bé vừa ra khỏi bụng người mẹ, trẻ sẽ được bọc bằng túi nhựa giữ nhiệt ngay để tránh việc hạ thân nhiệt, hệ lụy hạ đường huyết, xuất huyết não, suy hô hấp, nhiễm trùng sau sinh cho bé. Kế tiếp là bé được hỗ trợ hô hấp với thở áp lực dương liên tục tại phòng sinh, tiếp theo là bơm surfactant (thuốc làm nở phế nang phổi) điều trị suy hô hấp khi có chỉ định. Sau đó, trẻ được đặt đường truyền và truyền dung dịch đường, đảm bảo không bị hạ đường huyết. Các bước này được thực hiện trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, giúp bé sinh non ổn định sớm, góp phần cải thiện dự hậu lâu dài, giảm thiểu các biến chứng về thần kinh và hô hấp.
Bé trai hiện đang phát triển tốt, mắt bình thường, đã ngưng oxy, dinh dưỡng hoàn toàn qua đường tiêu hóa sau 2 tuần. Sau gần 50 ngày chăm sóc tại khoa hồi sức sơ sinh, hiện nay, bé đạt cân nặng 2.235 gr trong niềm vỡ òa hạnh phúc của người mẹ tưởng đã mất con mãi mãi và các bác sĩ.
Chạy bộ góp quỹ cứu trẻ sơ sinh Vào ngày 29-6-2019, tại Estella Place quận 2, BV Quốc tế Hạnh phúc sẽ tổ chức sự kiện chạy từ thiện vì cộng đồng nhằm mục đích gây quỹ giúp giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh tại Việt Nam. Với mỗi người tham gia đường chạy, BV Quốc tế Hạnh Phúc sẽ góp 200.000 đồng cho tổ chức Newborns Vietnam để giúp giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh. Giải chạy bao gồm 2 cự ly: 5 km dành cho cá nhân và cự ly 3 km dành cho nhóm chạy là gia đình. Thông tin chi tiết và cách thức đăng ký tham gia chạy bộ tại link: https://bitly.vn/5669 và theo dõi sự kiện tại: https://www.facebook.com/HANHPHUCHospital/. |