Vừa qua, có một số bạn đọc gửi câu hỏi qua hộp thư Fanpage của báo Pháp Luật TP.HCM hỏi về việc bị CSGT phạt vi phạm giao thông, muốn nộp phạt qua bưu điện phải làm sao?
Theo thỏa thuận hợp tác số 69/2016 giữa Cục CSGT và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, kể từ ngày 1-7-2016, người vi phạm thay vì đi nộp phạt trực tiếp thì có thể nộp phạt qua dịch vụ của bưu điện.
Cụ thể, nếu chọn nộp phạt qua bưu điện, người vi phạm sẽ đăng ký với cơ quan công an thông qua hình thức ghi và ký vào mặt sau tờ biên bản vi phạm (bản cơ quan công an lưu) để chuyển tới bưu điện.
Tiếp đó, người vi phạm đến bưu cục gần nhất để đăng ký và nộp tiền (bao gồm tiền phạt và phí dịch vụ bưu điện).
Khi nhận được tiền nộp phạt, CSGT sẽ chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho người vi phạm sẽ theo phương thức ưu tiên. Bưu điện Việt Nam sẽ đảm bảo chuyển phát nhanh chóng, chính xác, an toàn tới tận tay người nhận.
Người vi phạm giao thông tại các trung tâm tỉnh, thành sẽ nhận lại tất cả giấy tờ trong vòng tối đa hai ngày, đối với các huyện và tỉnh, thành khác là 3-5 ngày.
Bưu điện có trách nhiệm bảo quản tiền đã thu được người nộp và giấy tờ tạm giữ của người vi phạm trong thời gian từ khi bàn giao từ cơ quan công an đến khi phát cho người vi phạm. Trong trường hợp thất lạc, hỏng, mất mát giấy tờ tạm giữ do bất cứ nguyên nhân gì, bưu điện tỉnh, thành trên địa bàn có trách nhiệm phối hợp với cơ quan liên quan để cấp lại cho người vi phạm. Bưu điện chịu trách nhiệm về các chi phí cấp lại giấy tờ tạm giữ theo quy định và phí dịch vụ chuyển phát nhanh.
Một trong những tiện ích lớn nhất mà dịch vụ này mang lại chính là tiết kiệm công sức cho người vi phạm, nhất là trường hợp khó khăn về khoảng cách địa lý.