Bi hài phỏng vấn kết hôn - Bài 1: Lấy nhau chưa hẳn vì yêu

Người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài là chuyện không mới. Tuy nhiên, những ngày lân la ở phòng chờ phỏng vấn kết hôn, nghe lỏm một số cuộc đối thoại của các “đương sự” thì người viết đâm băn khoăn...

“Em thua ảnh vài chục tuổi thôi à!”

Cô gái trẻ măng cùng một người đàn ông nước ngoài tóc bạc gần hết đang ngồi chờ phỏng vấn tại Sở Tư pháp TP.HCM. Sau một hồi lân la làm quen, cô cho biết mình tên Mai, còn bạn trai là người Mỹ, tên Johnny (tên các nhân vật đã được thay đổi - NV). Cô gái thăm dò: “Không biết thủ tục phỏng vấn kết hôn có khó lắm không chị? Tụi em hơi hơi chênh lệch tuổi tác thôi”. Cái sự “hơi hơi chênh lệch” ấy thật ra lên đến 36 năm vì Mai mới chỉ 25 tuổi, còn “người yêu” của cô đã 61 tuổi.

Mai bảo cô chẳng biết việc kết hôn có được chấp nhận không, lấy nhau xong liệu Johnny có thể tìm kiếm việc làm ở Việt Nam không. Johnny định đi dạy tiếng Anh ở các trung tâm ngoại ngữ nhưng ngại người ta không nhận vì đã cứng tuổi. Tôi hỏi Mai: “Sẽ dùng cách nào để thuyết phục cán bộ phỏng vấn?”. “Em sẽ nói tại sao khi người Việt lấy nhau thì chênh lệch bao nhiêu tuổi cũng được, em lấy người Mỹ già thì lại… cản em” - Mai dự tính.

Bi hài phỏng vấn kết hôn - Bài 1: Lấy nhau chưa hẳn vì yêu ảnh 1

Một Việt kiều tóc bạc đăng ký kết hôn với một cô gái trẻ măng. Suốt cả buổi ngồi bên nhau, mỗi người họ quay nhìn một hướng, chẳng chuyện trò. Ảnh: ÁI PHƯƠNG

“Chồng gì… ngu như ruồi”

Những cặp đôi lệch tuổi như Mai và Johnny không phải khó tìm. Có những chuyện còn khó tin hơn, đó là đã làm đám cưới rồi mà người vợ vẫn chẳng biết chồng làm nghề gì.

Hứa Lâm là Việt kiều mới từ California, Mỹ về Việt Nam lấy vợ. Tôi gặp anh khi đang ngồi ở phòng chờ Sở Tư pháp TP.HCM điền hồ sơ kết hôn. Cô vợ mới cưới ngồi kế bên cứ nhăn mặt: “Anh viết sai rồi. Không biết thế nào là thường trú, thế nào là tạm trú à? Đi mua bộ hồ sơ khác rồi điền vô cho đúng giùm cái!”. Khi anh ta lật đật chạy đi, cô gái quay qua nói: “Chồng tui ngu lắm. Ngu y như một con ruồi không có đầu!”. Tôi hỏi: “Chê ngu sao chị vẫn lấy?”, cô gái không trả lời.

Một lúc sau, anh Việt kiều trở vô với xấp hồ sơ trên tay: “Em rành hơn anh thì viết đi”. Cô gái hất ra: “Tự viết đi. Anh phải sai thì mới rút kinh nghiệm”. Anh chồng càu nhàu: “Viết có một lần mà cần gì kinh nghiệm, bộ em mong anh sẽ có kinh nghiệm để điền đơn trong lần kết hôn sau hay sao?”. Nói vậy nhưng anh ta vẫn cắm cúi ghi. Trong lúc Hứa Lâm viết đơn, tôi hỏi cô gái: “Chồng chị làm nghề gì?”. Cô gái quay qua hỏi chồng: “Ủa, anh làm nghề gì?”. Anh này tỉnh bơ: “Làm phục vụ trong nhà hàng”.

Lúc đó, ngồi kế bên họ là một cặp đôi trẻ cứ cười đùa. Anh chồng lấy nhầm số thứ tự, lẽ ra phải bốc số ở ô đăng ký kết hôn, anh ta lấy số bên ô cấp phiếu lý lịch tư pháp. Họ ngồi chờ cả buổi sáng mới phát hiện ra điều đó. Anh chồng bẹo má vợ trêu: “May chứ nếu mình lấy nhầm số ở ô khai sinh thì người ta sẽ nghĩ mình chưa cưới đã có con”. Tiếng cười vui vẻ của họ khiến Hứa Lâm ngừng bút, ngẩng lên nhìn. Vợ anh gắt: “Làm gì vậy? Nhanh đi chứ!”.

Nhẹ nhàng hơn cô gái chửi chồng ngu nói trên, nhiều người vợ đến phỏng vấn kết hôn hay giành trả lời thay cho chồng mình vì: “Chồng tôi khờ lắm!”. Khi được hỏi sao lại chê chồng khờ, có chị cười: “Tính tôi nói năng vậy đó. Ai lấy tôi ráng chịu!”.

Độc chiêu: Giấy chứng nhận có thai

Một cán bộ hộ tịch ở Sở Tư pháp TP.HCM kể rằng có lần phỏng vấn một cặp đôi, anh phát hiện họ có nhiều điểm khập khiễng: người này không hiểu người kia nói gì, chênh lệch tuổi tác quá lớn… Họ bị từ chối vì không đủ điều kiện để kết hôn. Một thời gian ngắn, cặp này lại tiếp tục nộp hồ sơ. Lần này họ đem theo cả những tấm ảnh chụp đám cưới và giấy chứng nhận có thai do một cơ sở y tế cấp.

Đã nhiều năm trong nghề, vị cán bộ biết rằng nhiều khi những giấy chứng nhận có thai được cấp từ nhiều mánh lới. Anh liền “xuất chiêu”: “Việc kết hôn phải có đủ điều kiện theo luật định, không vì hai người có thai với nhau mà cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp giấy chứng nhận kết hôn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ lưu ý xem xét để đứa bé không bị thiệt thòi. Chị chịu khó đến một bệnh viện uy tín khám rồi đem giấy tờ lại đây để chúng tôi có cơ sở trình cấp trên”. Từ đó đến nay, cặp đôi đó... lặn mất tăm!

“Ôn bài” trước phỏng vấn

Buổi sáng sớm ở căng tin Sở Tư pháp TP.HCM, không khó để nhìn thấy nhiều cô gái trẻ chăm chú xem xấp tài liệu “Những câu hỏi thường gặp trong phỏng vấn kết hôn”. Trong đó, các câu hỏi đại loại sẽ là hai bên quen biết nhau bao lâu, vì sao anh/chị muốn lấy người này… Thường chỉ có những cô dâu lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc mới “ôn bài” kiểu đó. “Một chị người quen cho em xấp câu hỏi này, kêu em muốn phỏng vấn đạt thì phải ôn thật kỹ” - một cô gái kể.

Ông Nguyễn Văn Vũ, Trưởng phòng Hộ tịch - Lý lịch tư pháp - Quốc tịch (Sở Tư pháp TP.HCM), cho biết: “Có lẽ do người dân tự tập hợp kinh nghiệm rồi chuyền tay nhau. Đối với chúng tôi, chẳng đôi nào giống đôi nào nên chúng tôi sẽ xem xét thái độ của họ, sử dụng nhiều câu hỏi khác nhau để cảm nhận, đánh giá mức độ hiểu biết về nhau của họ, mức độ chân tình và tự nguyện kết hôn của họ. Phỏng vấn kết hôn chứ đâu phải một cuộc thi tuyển mà cần phải thuộc bài”.

ÁI PHƯƠNG

Kỳ tới: Cân phân thật-giả chuyện yêu đương. Không phải cặp nào già lấy trẻ cũng bị từ chối, cũng không phải cứ thấy chàng trí thức, nàng cục cằn là cán bộ lắc đầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm