Bệnh nhân là anh NHT (35 tuổi, ở TP Lai Châu, tỉnh Lai Châu). Người nhà bệnh nhân T. cho biết sau khi mua một con lợn cắp nách về trực tiếp giết mổ và ăn tiết canh, năm ngày sau anh T. bị sốt cao, xuất hiện các ban hoại tử trên da, phải vào BV Đa khoa tỉnh Lai Châu cấp cứu. Bệnh nhân đã được xử trí cấp cứu và chuyển xuống BV Nhiệt đới Trung ương tối 5-1.
Tại đây, bệnh nhân được điều trị tích cực nên đã tỉnh táo hơn, tuy nhiên vẫn chưa hết sốc nhiễm khuẩn, bị rối loạn đông máu nặng, tắc mạch dẫn đến hoại tử đầu ngón chân, ngón tay, các ban hoại tử xuất hiện dày đặc ở mặt và chân tay.
BS Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết hằng năm cứ đến dịp đón tết là có nhiều ca bệnh liên cầu lợn. Mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân mắc liên cầu lợn trong tình trạng nặng phần lớn đều liên quan đến ăn tiết canh hoặc tham gia giết mổ lợn.
BS Nguyễn Trung Cấp cũng khuyến cáo không nên giết mổ, ăn thịt những con lợn ốm, chết. Kể cả những con lợn khỏe cũng vẫn có những nguy cơ mang liên cầu lợn. Cạnh đó, không nên ăn những món chế biến sống từ lợn như tiết canh, thịt sống...
Bệnh liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ lợn. Biểu hiện lâm sàng hay gặp của bệnh là viêm màng não mủ và sốc nhiễm khuẩn, bệnh nặng có thể dẫn đến tử vong.
Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh liên cầu lợn. Ngoài việc không ăn các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay cũng như các dụng cụ bảo hộ cần thiết khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn và thường xuyên rửa tay với xà phòng.
Lợn cặp nách là loại lợn nhỏ, trọng lượng chỉ trên dưới 10 kg, được người dân tộc miền núi nuôi thả rong trong rừng, dưới ruộng. Với ngoại hình nhỏ bé như vậy nên mỗi khi cần đem lợn đi chợ bán, người ta chỉ cần bồng lợn trên tay hoặc cắp vào nách đem tới chợ là được. Thịt loại lợn này đặc biệt rất thơm ngon. |