Bệnh nhân là ông P.T.L (sinh năm 1964) ngụ tại An Giang. Ban đầu bệnh nhân có biểu hiện sốt, cổ cứng, tím tái… nên được đưa vào BV An Giang điều trị. Một ngày sau đó, bệnh trở nặng nên ông L được chuyển lên BV Chợ Rẫy cấp cứu. Được biết, đây là trường hợp nhiễm liên cầu lơn khá hi hữu xảy ra lần đầu tiên với người bán thịt heo.
Theo PGS.TS Trần Quang Bính, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới - BV Chợ Rẫy, ông P.T.L nhập viện trong tình trạng sốt cao, rối loạn tri giác, rất kích động… Chẩn đoán ban đầu là bệnh nhân này bị viêm màng não mủ. Sau đó, bệnh nhân trở nặng và phải đặt nội khí quản, thở máy. Sau ba ngày theo dõi, thì phát hiện ông L nhiễm khuẩn Streptococus.suis (liên cầu lợn) nên được điều trị riêng biệt.
BS Trần Quang Bính kiểm tra cho bệnh nhân L. Ảnh: HA
Bệnh liên cầu lợn là bệnh do vi khuẩn Streptococus.suis gây ra. Vi khuẩn Streptococus.suis thường có trong hô hấp của heo và nếu có điều kiện nó sẽ phát triển và gây bệnh. Việc nhận biết heo bị nhiễm liên cầu khuẩn rất khó xác định bằng mắt thường, mà cần phải xét nghiệm chẩn đoán vi khuẩn gây bệnh tại phòng thí nghiệm. Bệnh liên cầu lợn rất nguy hiểm vì có khả năng lây sang người, làm cho nhiều người bị bệnh và gây thành dịch.
PGS Bính cho biết, đây là một ca nhiễm liên cầu lợn rất nặng. Thông thường với bệnh nhân bị liên cầu lợn thường phát hiện khoảng 200-300 vi khuẩn Streptococus.suis nhưng ông L. lại có trên 6.000 con.
“Những con vi khuẩn này đã tấn công và phá vỡ hàng rào máu não, tấn công vào thần kinh trung ương, cực kỳ nguy hiểm vì tỉ lệ nhiễm bệnh này có thể tử vong rất cao, trên 30%”, BS Bính nói. Sau 8 ngày điều trị tích cực, hiện sức khỏe ông L. đã dần ổn định, tiếp xúc tốt.
Sự lây truyền bệnh do vi khuẩn Streptococus.suis từ heo bị bệnh xâm nhập vào người qua các vết trầy xước, vết đứt, hoặc vết vết thương trên da, niêm mạc... Một số thống kê đã ghi nhận 40% bệnh nhân mắc bệnh liên cầu lợn bị biến chứng suy đa tạng và khoảng 60% còn lại bị viêm màng não.
Về khía cạnh lâm sàng, vi khuẩn Streptococus.suis xâm nhập và người có thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến vài ngày. Sau đó khởi phát với các triệu chứng lâm sàng, sốt, nỏi ban đỏ, đau họng, đau nhức đầu, ói mửa, cứng cổ, sợ ánh sáng, rối loạn ý thức, ù tai giảm thính lực… giống triệu chúng của viêm màng não. Ngoài ra, còn ghi nhận các dấu chứng khác như viêm khớp, viêm phổi, nhiễm trùng huyết, biến chứng nặng có thể xảy ra như sốc nhiễm trùng, nhiễm độc, tổn thương chức năng của hệ tuần hoàn và tổn thương chức năng gan, thận... Khi có biến chứng nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm độc thì tiên lượng của bệnh nhân rất xấu, bệnh nhân có thể tử vong sau vài giờ.
Nhằm phòng tránh, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên hạn chế tiếp xúc với heo bị bệnh vì khả năng nhiễm bệnh cao. Với người nội trợ và người tiêu dùng, nên chọn mua thịt heo sạch đã được cơ quan thú y kiểm dịch, kiểm tra xác nhận, không nên mua thịt heo có dấu hiệu xuất huyết dưới da, thịt và nội tạng có màu đỏ hơn mức bình thường. Vi khuẩn liên cầu lợn sẽ bị tiêu hủy ở nhiệt độ cao nên cần ăn thịt heo đã được nấu chín, không ăn tiết canh heo để chủ động phòng tránh bệnh. |