Thẩm phán Nguyễn Hồng Tuấn (TAND tỉnh Khánh Hòa) vừa cho biết tòa này đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho TAND Tối cao và kiến nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm bản án phúc thẩm trong vụ kiện hành chính của bà Nguyễn Thị Bảy (61 tuổi, ngụ thị xã Ninh Hòa).
Tòa sơ thẩm nói hủy án không có căn cứ
Trước đó, xử phúc thẩm lần 2 vụ kiện này hồi tháng 12-2015, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng tuyên chấp nhận một phần kháng cáo của bà Bảy, hủy bản án hành chính sơ thẩm lần 2 của TAND tỉnh Khánh Hòa, chuyển hồ sơ cho TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử lại.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, TAND tỉnh Khánh Hòa đã không tiếp tục giải quyết sơ thẩm lại vụ kiện vì cho rằng tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm là không có căn cứ, tòa sơ thẩm không biết xử thế nào cho đúng. Tháng 6-2016, chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản kiến nghị chánh án TAND Tối cao kháng nghị bản án hành chính phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng. Đến tháng 8-2016, TAND Tối cao đã có phiếu mượn hồ sơ và mới đây TAND tỉnh Khánh Hòa đã chuyển hồ sơ cho TAND Tối cao như đã nói.
Bà Nguyễn Thị Bảy tại phiên tòa hành chính phúc thẩm lần đầu. Ảnh: CTV
Có quyền kiến nghị nhưng phải giải quyết
Từ vụ việc này, một vấn đề pháp lý cần đặt ra: Nếu không đồng ý với việc hủy án của tòa phúc thẩm, tòa sơ thẩm có quyền ngưng giải quyết vụ kiện và kiến nghị người có thẩm quyền giám đốc thẩm xem xét lại bản án phúc thẩm hay không?
Luật sư Phạm Công Hùng (nguyên Thẩm phán TAND Tối cao) nhận xét trước hết cần minh định kiến nghị của TAND tỉnh Khánh Hòa diễn ra vào tháng 6-2016 nên vẫn bị điều chỉnh bởi Luật Tố tụng hành chính 2010 (do Luật Tố tụng hành chính 2015 chỉ có hiệu lực từ ngày 1-7-2016). Theo quy định hiện hành thì việc TAND tỉnh Khánh Hòa hành xử như trên không hoàn toàn sai nhưng chưa hợp lý, bởi các lý do sau:
Thứ nhất, TAND tỉnh thẩm quyền kiến nghị giám đốc thẩm. Cụ thể, khoản 2 Điều 211 Luật Tố tụng hành chính 2010 quy định: Tòa án, VKS hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì phải thông báo bằng văn bản cho những người có quyền kháng nghị giám đốc thẩm. Sau này, khoản 3 Điều 256 Luật Tố tụng hành chính 2015 cho phép chánh án TAND cấp tỉnh quyền kiến nghị với chánh án TAND Cấp cao hoặc chánh án TAND Tối cao xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
Thứ hai, việc tòa sơ thẩm tự động ngưng giải quyết vụ kiện vì cho rằng việc hủy án của tòa cấp trên không có căn cứ, tòa sơ thẩm không biết xử sao là chưa đúng. Bởi lẽ luật hiện hành không có quy định nào cho phép tòa sơ thẩm có quyền ngưng giải quyết vụ kiện để kiến nghị giám đốc thẩm cả. Nếu bản án sơ thẩm bị hủy để trả cho cấp sơ thẩm xét xử lại thì tòa sơ thẩm phải thụ lý lại vụ kiện. Trong thời gian này, tòa sơ thẩm vẫn có quyền kiến nghị TAND Tối cao xem xét giám đốc thẩm nhưng không được ngưng giải quyết.
Đồng tình, ông Hoàng Văn Hải (nguyên Phó Chánh án TAND tỉnh Tây Ninh) nói: “Trong vụ này, tháng 6-2016, TAND tỉnh Khánh Hòa có văn bản kiến nghị thì hai tháng sau TAND Tối cao đã có phiếu mượn hồ sơ lên nghiên cứu, đó là tín hiệu tích cực. Giả sử nếu không được xem xét giám đốc thẩm thì TAND tỉnh vẫn có quyền xử lại theo ý mình, không phụ thuộc vào lập luận của TAND Cấp cao vì các cấp tòa độc lập trong xét xử và chỉ tuân theo pháp luật”.
Nội dung vụ kiện Năm 2003, bà Bảy mua một thửa đất 576 m2 ở phường Ninh Đa (thị xã Ninh Hòa). Năm 2008, ông Huỳnh Xẹo có đơn tranh chấp thửa đất với lý do chính quyền địa phương đã cấp cho ông. UBND thị xã Ninh Hòa hướng dẫn ông Xẹo kiện ra tòa. Quá trình giải quyết, TAND thị xã Ninh Hòa cho rằng vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thị xã và ngược lại. Tòa và UBND thị xã chuyển hồ sơ qua lại cho nhau ít nhất ba lần. Đến tháng 12-2012, chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa ra quyết định giải quyết tranh chấp, công nhận bà Bảy được sử dụng 200 m2 đất, còn lại hơn 300 m2 đất giao cho UBND xã Ninh Đa quản lý. Tháng 4-2014, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định sửa một phần quyết định của chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, công nhận bà Bảy được sử dụng 200 m2 đất, hơn 300 m2 còn lại là của ông Xẹo. Bà Bảy khởi kiện yêu cầu TAND tỉnh Khánh Hòa hủy cả hai quyết định trên. Xử sơ thẩm lần đầu hồi tháng 8-2014, TAND tỉnh đình chỉ giải quyết yêu cầu hủy quyết định của chủ tịch UBND thị xã, bác yêu cầu hủy quyết định của chủ tịch UBND tỉnh của bà Bảy. Sau đó, VKSND Tối cao kháng nghị, đề nghị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm theo hướng hủy án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho tòa cấp sơ thẩm giải quyết lại. Tháng 12-2014, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã chấp nhận kháng nghị của VKSND Tối cao. Tháng 6-2015, xử sơ thẩm lần 2, TAND tỉnh đã bác toàn bộ yêu cầu của bà Bảy. Tháng 12-2015, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm lần 2 đã chấp nhận một phần kháng cáo của bà Bảy, hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho TAND tỉnh xét xử lại. |