Doanh nghiệp kiệt sức vì khó khăn kép - Bài cuối

Bị phạt vì quy định vô lý

Dù Nghị định 87/2018 đã đơn giản hóa một số thủ tục hành chính trong kinh doanh gas nhưng lại đẻ ra quy định mới bất hợp lý gây khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp (DN). Đó là quy định phải “lập sổ theo dõi hoặc cơ sở dữ liệu điện tử” về bình gas. 

Tài xế của một công ty đang ghi chép lại thông tin sêri bình gas. Ảnh: TÚ UYÊN 

Vì quy định này gây nhiều khó khăn cho việc kinh doanh nên hàng loạt DN, hiệp hội liên tục có công văn khẩn gửi lên Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành kiến nghị hủy bỏ quy định vô lý trên. 
Khách hàng lãnh đủ 
Ông Thanh Lâm, tổng đại lý gas ở huyện Bình Chánh, TP.HCM, than thở từ khi quy định phải lập sổ theo dõi vỏ bình gas tại Nghị định 87 có hiệu lực đến nay, tổng đại lý của ông vẫn chưa thể thực hiện được. Ngay cả các công ty lớn chuyên cung cấp gas cho tổng đại lý của ông cũng bó tay với quy định này, nếu có làm cũng chỉ là để đối phó với các cơ quan chức năng. 

Cần lắng nghe, sửa đổi

 Chúng tôi khẩn thiết mong Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hủy bỏ những quy định về lập sổ theo dõi bình gas cũng như quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này. 

Một quy định đưa ra mà các nhà kinh doanh không thể thực hiện được trong thời gian dài thì cần xem xét, sửa đổi cho phù hợp. 
Chi hội Gas miền Nam
 

“Ví dụ mới đây chúng tôi đặt hai đơn hàng gồm 400 bình gas về lập sổ theo dõi bình gas nhưng một công ty đầu mối lớn chỉ thực hiện được khoảng 50 bình. Vấn đề không phải là các đơn vị kinh doanh gas chống lệnh, không muốn làm mà là không thể áp dụng quy định này được, bởi nó không khả thi, xa rời thực tế” - ông Lâm nói.
Không chỉ xa rời thực tế, ông Lâm cho rằng quy định về lập sổ theo dõi bình gas là không cần thiết và gây tốn kém cho nhà kinh doanh. Bởi thực tế tất cả thông tin xuất xứ của bình gas như số sêri, hạn kiểm định, tên thương hiệu… đã hiển thị trên mỗi bình. Vì vậy, việc lập sổ theo dõi với mục đích để truy xuất nguồn gốc bình gas là thừa, không có ý nghĩa trên thực tế.
“Nhà kinh doanh đang phải tiết kiệm từng đồng vốn để tái đầu tư, duy trì hoạt động nhưng nay phải lãng phí tiền cho một kiểu giấy phép con không cần thiết” - ông Lâm nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Minh Nam, chủ một cửa hàng gas tại quận 8, TP.HCM, cho hay để thực hiện theo đúng quy định về lập sổ theo dõi bình gas, ông đã ghi lại thông tin số sêri vỏ bình gas, bán cho ai, ở đâu, địa chỉ nào, bán khi nào... Bên cạnh đó, cửa hàng còn trang bị một máy vi tính xịn để nhập liệu và in hóa đơn tốn hơn 20 triệu đồng; thuê thêm một người với mức lương hơn 6 triệu đồng/tháng chỉ để lập sổ theo dõi bình gas.
Thế nhưng khi triển khai làm trên thực tế một thời gian mới thấy quá khó khăn mà không mang lại hiệu quả trong việc quản lý bình gas. Cuối cùng cửa hàng đành phải bỏ cuộc. “Tôi thấy việc ghi chép số sêri vỏ bình gas quá mất thời gian, tăng chi phí mà không biết để làm gì” - ông Nam nói.
Đại diện Chi hội Gas miền Nam cũng cho hay sau khi Nghị định 87/2018 có hiệu lực thi hành, các công ty kinh doanh gas đều nghiêm túc thực hiện. Song đến nay việc lập sổ theo dõi bình gas vẫn phải thực hiện bằng cách ghi tay từ trạm nạp đến nhà phân phối, cửa hàng bán lẻ, người tiêu dùng cuối cùng. 

Nhiều công ty cho biết việc lập sổ theo dõi bình gas là không cần thiết, chỉ làm tăng thêm chi phí, tăng giá bán sản phẩm. Ảnh: TÚ UYÊN

“Nếu áp dụng quét mã vạch như hàng hóa ở siêu thị cũng không khả thi. Vì bình gas là một loại bao bì đặc biệt, được dùng lại nhiều lần. Theo quy định về an toàn cháy nổ, năm năm bình gas phải kiểm định một lần và là tài sản của DN. Do đó, trên mỗi bình gas đều có một số sêri riêng biệt, có năm sản xuất cụ thể. Mặt khác, do đặc thù của bình gas nên mỗi lần sửa chữa, sơn lại bình gas, số sêri sẽ bị lớp sơn mới phủ dày thêm nên máy quét không đọc được” - đại diện Chi hội Gas miền Nam dẫn chứng.

 Từ phân tích trên, đại diện Chi hội Gas miền Nam khẳng định: Quy định lập sổ theo dõi vỏ bình gas bằng thủ công, công nghệ là không cần thiết; chỉ làm cho DN tăng thêm chi phí và thời gian, giảm sức cạnh tranh, tăng giá bán sản phẩm. Cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu tất cả chi phí tăng lên này. 

Chấp nhận bị xử phạt vì không thể thực hiện được

 Hiệp hội Gas Việt Nam mới đây tiếp tục gửi công văn tới Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, VCCI phản ánh những khó khăn, vướng mắc liên quan tới kinh doanh gas.

Theo đó, sau khi Nghị định 99/2020 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí, các thương nhân kinh doanh gas bị phạt nặng hơn, 20-40 triệu đồng đối với hành vi không có sổ theo dõi hoặc cơ sở dữ liệu điện tử ứng dụng công nghệ thông tin về bình gas. 

Công văn của hiệp hội cho biết dù có cố gắng thế nào thì các DN cũng không thể thực hiện được quy định nêu trên và chấp nhận bị xử phạt. Lý do là theo Nghị định 87/2018, sổ theo dõi hoặc cơ sở dữ liệu điện tử về bình gas phải gồm chủ sở hữu, loại bình, số sêri chai, hạn kiểm định trên bình, tên và địa chỉ thương nhân mua bình; khách hàng sử dụng, ngày giao nhận bình gas… 

Nếu ghi chép thủ công thì bị tăng chi phí, nhân sự, diện tích kho tàng, mặt bằng…, hiệu quả kinh doanh không cao, giá bán tăng. Nếu áp dụng công nghệ thông tin thì chi phí cũng rất lớn, không có ý nghĩa về quản lý và tổn hại về kinh tế cho xã hội là có thật.

Vì vậy, Hiệp hội Gas Việt Nam kiến nghị bỏ quy định trên trong Nghị định 87/2018, đồng thời hủy chế tài xử phạt hành chính đối với hành vi không lập sổ theo dõi hoặc cơ sở dữ liệu điện tử… và hành vi lập sổ theo dõi hoặc cơ sở dữ liệu điện tử không đầy đủ thông tin về LPG chai. Qua đó nhằm tạo điều kiện cho DN phát triển, hoạt động đúng pháp luật.
 

Góp ý nhưng không được tiếp thu
 Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương cho rằng việc thiết lập sổ theo dõi hoặc cơ sở dữ liệu điện tử ứng dụng công nghệ thông tin theo dõi bình gas nhằm kiểm soát, ngăn ngừa tình trạng cháy nổ mất an toàn trong sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, giải pháp này có thể giảm thiểu thiệt hại của các DN làm ăn chân chính.
Tuy nhiên, ông Đoàn Trọng Thà, trưởng ban chống buôn lậu và gian lận thương mại Hiệp hội Gas Việt Nam, nêu rõ: Thực tế vi phạm trong kinh doanh gas chủ yếu là các vụ chiếm dụng bình gas của các hãng khác để làm hàng giả, cắt quai, mài logo thay thế bằng thương hiệu khác.
Mặt khác, khi xảy ra vi phạm, các thông tin cần truy xuất nguồn gốc đã được dập sẵn, có sẵn trên vỏ bình khi quai được giữ nguyên. Do vậy, giải pháp ghi chép hay dữ liệu điện tử hoàn toàn không có ý nghĩa truy xuất nguồn gốc hay quản lý vỏ bình gas mà chỉ gây tốn kém chi phí, thời gian cho nhà kinh doanh cũng như cơ quan quản lý.
“Chính vì lý do trên, chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)… bỏ quy định lập sổ theo dõi bình gas ngay từ khi các nghị định còn đang trong quá trình soạn thảo. Rất tiếc là những góp ý, kiến nghị của chúng tôi không được cơ quan soạn thảo tiếp thu” - ông Thà cho hay.
Cũng theo ông Thà, các thương nhân rất bức xúc về quy định theo dõi số sêri bình gas và mức phạt tiền cao nếu vi phạm. “Chúng tôi cũng cho rằng quy định phải lập sổ theo dõi bình gas thể hiện sự can thiệp quá sâu trong công tác quản lý nhà nước vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN” - ông Thà nhấn mạnh. •

 Thấy bất hợp lý thì phải sửa đổi kịp thời

 Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một quan chức Bộ Công Thương cho hay bộ này đã nhận được văn bản kiến nghị của Hiệp hội Gas Việt Nam về vấn đề lập sổ hoặc ứng dụng công nghệ để theo dõi bình gas. Hiện Bộ Công Thương đang nghiên cứu để trả lời các kiến nghị của Hiệp hội Gas Việt Nam.

Đại diện VCCI cũng xác nhận Hiệp hội Gas Việt Nam đã gửi công văn kiến nghị cho cơ quan này. Do hiện nay các văn bản như Nghị định 87/2018, Nghị định 99/2020 vẫn đang có hiệu lực nên VCCI tập trung thu thập kiến nghị, nghiên cứu và dự liệu các giải pháp nhằm kiến nghị khi các cơ quan có thẩm quyền có kế hoạch sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật nói trên.

“Bất kể các quy định pháp luật nào đang gây khó khăn, cản trở DN tự do kinh doanh, phát triển đều phải được sửa đổi kịp thời” - VCCI nêu quan điểm. CHÂN LUẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm