Hà Nội, TP.HCM và các địa phương khác có hàng chục bãi giữ xe vi phạm nhưng phần lớn đang rơi vào tình trạng quá tải. Hàng ô tô, xe máy đắt tiền nằm ngoài trời trong khi người vi phạm thì không đến nhận, cơ quan chức năng phải đợi các thủ tục mà khi xong thì xe đã thành đống sắt vụn.
Xế hộp, xe tay ga… trơ khung sắt
Tại bãi giữ xe A5 (Mỹ Đình I, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) - nơi tập kết hàng trăm chiếc xế hộp, xe ga nằm xen kẽ với ba gác phủ kín bụi, không ít xe chỉ còn là…. cái tên, không khác mấy một bãi chứa phế liệu.
Tương tự, tại bãi trông giữ xe 360 Giải Phóng (Hoàng Mai), một trong những bãi tập kết xe vi phạm lớn nhất Hà Nội, hàng ngàn phương tiện vi phạm chất đống đang tiếp tục được bổ sung. Những chiếc xe máy đắt tiền phủ bụi vàng, nằm trơ cùng tuế nguyệt! Nhiều chiếc xe thành “giá đỡ” cho các loại dây leo bám vào.
Ở TP.HCM, các bãi giữ xe vi phạm cũng không khá hơn là mấy. Tại bãi giữ xe khoảng 4.000 m2 của Công an quận Thủ Đức thì chừng 1.000 m2 là có mái che nên hàng ngàn xe nằm ngoài phần này phải dãi nắng dầm mưa.
Thiếu tá Nguyễn Xuân Cảnh, Phó Đội trưởng Đội CSGT quận Thủ Đức, giải thích: Phần bãi có mái che dành cho các phương tiện “tạm trú”, người dân sẽ đến đóng phạt, lấy ra. Những xe nào chờ xác minh xem có liên quan đến các vụ án hay không thì tạm “mời” ra ngoài trời nằm vì không đủ chỗ.
Ông Cảnh cũng cho hay: Thủ Đức giáp ranh nhiều địa bàn, xe vi phạm ba không (không giấy tờ, số khung, số máy…) rất nhiều, người vi phạm ngại nhận lại vì có khi mức phạt cao hơn giá trị chiếc xe nên bãi xe ngày càng quá tải.
Xe vi phạm đang thành nơi cho cỏ dại, dây leo bu bám. Ảnh: T.PHAN
Các bãi xe lộ thiên giữ xe vi phạm đang quá tải ở Hà Nội, TP.HCM.
Phải mất vài năm mới thanh lý được
Một cán bộ Phòng CSGT Công an TP Hà Nội thừa nhận hầu hết bãi giữ xe vi phạm trong cả nước đang quá tải vì người vi phạm bỏ xe hoặc xe đang bị các bên tranh chấp… “Có trường hợp ô tô thế chấp cho ngân hàng, chủ xe bỏ luôn, gọi ngân hàng đến họ cũng chê vì quá cũ” - người này nói.
Với xe không chủ hoặc gọi nhiều lần không ai đến nhận, công an sẽ thanh lý nhưng quy trình, thủ tục thanh lý lê thê.
Theo quy định, xe máy bị tạm giữ, trong 30 ngày người vi phạm không đến giải quyết, CSGT sẽ gửi giấy mời ba lần, mỗi lần cách nhau 10 ngày. Sau thời gian này, CSGT sẽ thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết thông tin rồi mới ra quyết định tịch thu, định giá, thanh lý.
“Công an phải xác minh nguồn gốc của chiếc xe, yêu cầu chủ phương tiện đến nhận xe, nếu đến tìm mà không gặp thì phải xác nhận với địa phương, chủ xe vẫn không nhận thì mới tính đến chuyện thanh lý” - vị này giải thích.
Sau đó công an sẽ chuyển hồ sơ đến hội đồng thanh lý để trình UBND rồi chuyển sang cơ quan tài chính để nơi này lập hội đồng định giá, chuyển lại cho UBND, mời công ty đấu giá, thông báo bán đấu giá. “Thủ tục thanh lý rất chặt, kéo dài cả năm hoặc lâu hơn” - vị này nói.
Còn Thiếu tá Cảnh cũng cho là thời gian, thủ tục thanh lý xe tang vật rất chặt chẽ, liên quan nhiều cơ quan, đơn vị nên rất lâu. “Lượng xe lớn, lực lượng chuyên trách lại mỏng. Đội CSGT quận Thủ Đức chỉ có hai người phụ trách chủ yếu về việc này nên để hoàn tất các hồ sơ phải huy động thêm người nhưng luôn quá tải” - ông Cảnh nói.
Người vi phạm thì không nhận lại xe vi phạm, thủ tục thanh lý lâu nên các phương tiện khi đã chui vào bãi rất dễ thành đống sắt vụn và các bãi luôn quá tải…
Lẫn lộn bản chất xử phạt với biện pháp ngăn chặn Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an), cho rằng cái chính là nhận thức của người thực thi công vụ về tạm giữ phương tiện. Ông nói: Tình trạng quá tải tại các bãi giữ xe vi phạm phổ biến ở các địa phương, các cơ quan chức năng cũng bàn luận từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, việc thanh lý xe chỉ là giải pháp tình thế. Tạm giữ phương tiện nên là trường hợp bất đắc dĩ nhưng điều này đòi hỏi thay đổi nhận thức của người thực thi công vụ. Hiện các quy định vẫn coi tạm giữ là một hình thức xử phạt nhưng bản chất việc tạm giữ lại là để ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính chứ không phải là một hình thức xử phạt. Việc gắn tạm giữ xe với xử phạt là nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải của các bãi giữ xe vi phạm. Do vậy, cần hạn chế tối đa việc tạm giữ phương tiện bằng việc giữ giấy tờ hoặc tăng nặng hình phạt…, có thể tính toán đến việc sửa luật để đưa vấn đề nhận thức như đã nói ở trên thành nguyên tắc. Riêng việc thanh lý, muốn tịch thu tài sản của công dân không thể đơn giản nên các bước, các thủ tục phải chặt chẽ, đúng pháp luật và đây chỉ là cái ngọn của vấn đề. |