Đặt tiền để không bị giam xe: Công an chưa cho

“Quy định đặt tiền bảo lãnh đã có nhưng khi chúng tôi đề nghị được thực hiện thì không được CSGT một số nơi chấp nhận”. Ông Đỗ Xuân Phú, Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Vận tải Minh Liên (TP.HCM), phản ánh với Pháp Luật TP.HCM.

Quy định: Thủ tục khá gọn

Theo Nghị định 115/2013 (có hiệu lực từ ngày 18-11-2013), cá nhân, tổ chức có tang vật, phương tiện bị tạm giữ có thể được giao bảo quản xe nếu xét thấy  không ảnh hưởng đến việc bảo đảm xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể hơn, Thông tư 47/2014 của Bộ Công an (có hiệu lực từ ngày 7-12-2014) quy định tổ chức, cá nhân có xe vi phạm phải làm đơn đề nghị được giữ, bảo quản phương tiện. Kèm theo đơn là bản sao hộ khẩu hoặc sổ tạm trú…, nếu là tổ chức thì có thêm giấy xác nhận của UBND cấp xã nơi tổ chức có trụ sở.

Không quá hai ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn, cơ quan có thẩm quyền tạm giữ phải xem xét có cho đặt tiền bảo lãnh hay không. Nếu vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì không quá năm ngày làm việc phải có quyết định. Nếu không chấp thuận thì phải nêu rõ lý do.

Ông Trần Minh Thông, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại giao nhận Xuất nhập khẩu Thông Phương Thắng (quận Thủ Đức, TP.HCM), cho biết công ty ông đang vướng một vụ va chạm giao thông. Vụ này chỉ là va chạm nhỏ, không gây thiệt hại về sức khỏe, tài sản và theo đánh giá ban đầu lỗi có thể không thuộc về tài xế của công ty. “Tuy nhiên, các phương tiện liên quan đã bị công an tạm giữ. Tôi hy vọng có thể làm thủ tục đặt tiền bảo lãnh xe” - ông Thông nói.

Việc chậm trễ thực hiện quy định cho đặt tiền để được tự giữ xe vi phạm gây khó khăn, thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp. Trong ảnh: CSGT đang xử phạt một vi phạm. Ảnh: MP

Thực tế: “Chưa được chấp thuận”

Như đã nêu, theo Nghị định 115, Thông tư 47, việc đề nghị nộp tiền bảo lãnh khá đơn giản, song việc ông Thông đề nghị được bảo lãnh có được chấp thuận hay không là chuyện khác.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo nhiều phòng CSGT đường bộ (PC67), công an các tỉnh Đồng Nai, Tiền Giang, TP.HCM… đều cho biết chưa triển khai quy định, cá biệt có vị còn bất ngờ khi biết quy định này.

Thượng tá Nguyễn Hoàng Diệp, Phó Trưởng PC67 TP.HCM, cho biết: “Chúng tôi đang chờ tập huấn, hướng dẫn triển khai thực hiện theo quy định xử phạt vi phạm giao thông mới (Nghị định 46/2016, có hiệu lực từ đầu tháng 8-2016) và hy vọng sẽ có đề cập cụ thể về việc đặt tiền bảo lãnh xe vi phạm giao thông”.

Tương tự, Đại tá Dương Thanh Hải, Trưởng PC67 tỉnh Đồng Nai, cho rằng tỉnh chưa triển khai quy định này và thực tế CSGT Đồng Nai chưa nhận được đề nghị bảo lãnh xe. “Có khi với nhiều người việc viết đơn, làm xác nhận để đề nghị bảo lãnh lại mất thời gian, trong khi thời hạn tạm giữ phương tiện đối với các vi phạm giao thông chỉ bảy ngày. Đây có thể là nguyên nhân khiến nhiều người không đề nghị bảo lãnh, tự giữ phương tiện” - Đại tá Hải nhận định.

Luật sư Thái Văn Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP.HCM, cho biết Nghị định 115 và Thông tư 47 trên đã có hiệu lực từ nhiều năm nhưng hiện nay nhiều người, trong đó có các hội viên của hiệp hội chưa nắm quy định này. “Nguyên nhân có phần do các cơ quan chức năng không tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số người biết quy định này nên đã làm đơn đề nghị được nộp tiền và tự bảo quản phương tiện nhưng không được chấp nhận. “Tôi từng trực tiếp soạn thảo đơn, liên hệ công an ở tỉnh Tiền Giang đề nghị đặt tiền bảo lãnh cho trường hợp của Công ty Minh Liên ở trên. Kế đó là các vụ việc xảy ra ở Bình Dương, TP.HCM… song tất cả đều bất thành” - luật sư Chung nói.

Doanh nghiệp, người dân bị thiệt

Ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty Lâm Vinh (TP.HCM), cho biết khi xe bị tạm giữ sẽ phải trả phí với mức khá cao, là 250.000 đồng/xe tải/ngày. “Nếu cho phép đặt tiền bảo lãnh, tự giữ xe, chúng tôi sẽ bảo quản phương tiện của mình tốt hơn, lại không phải trả phí cao và không lo lắng bị mất cắp” - ông Vinh phân tích.

Đặc biệt, đối với nhiều doanh nghiệp, khi có liên quan đến các va chạm, họ chịu áp lực lớn vì mang tiếng là “xe lớn”, nhiều lúc phải chấp nhận nhượng bộ hết sức vô lý. Cụ thể, ông Vinh kể: “Có một lần xe của chúng tôi đang dừng chờ đèn đỏ thì gần đó xảy ra va chạm giữa người đi xe máy và xe ba bánh. Sau đó người đi xe máy té vào xe tải của chúng tôi. Người đi xe máy bị gãy tay. Người đi xe ba bánh thì bỏ xe và chúng tôi bị vạ lây. Xe bị tạm giữ cùng với xe máy và xe ba bánh. Sau đó công an nhiều lần mời người đi xe máy đến làm việc nhưng khoảng một tháng sau anh ta mới đến và đề nghị công ty chúng tôi hỗ trợ thì anh ta mới chịu làm đơn bãi nại. Sự việc rất vô lý, song chúng tôi phải làm theo mới được nhận xe ra. Tuy nhiên, công an kết luận chúng tôi không có lỗi, không bị phạt nên bảo hiểm không đồng ý giải quyết. Thế là chúng tôi mất 20 triệu đồng, chưa kể tốn thêm phí tạm giữ xe” - ông Vinh ấm ức.

Ông Vinh cho biết đã nhiều lần đề nghị được bảo lãnh song công an nhiều nơi hầu như không nắm, không biết có quy định này. “Đây là quy định tiến bộ nhưng việc chậm trễ áp dụng vào thực tiễn đã gây nhiều khó khăn, thiệt hại cho người dân, cho các doanh nghiệp vận tải” - ông Vinh nói.

Quy định đã rõ, việc còn lại là áp dụng

PV liên hệ với Cục CSGT (C67), Bộ Công an để trao đổi về việc nộp tiền để bảo lãnh phương tiện theo Nghị định 115/2013 và Thông tư 47/2014 . Một cán bộ có trách nhiệm của C67 cho biết hiện chưa thấy địa phương nào có ý kiến phản hồi về quy định này. “Trong nghị định và thông tư đã hướng dẫn rất rõ ràng và cụ thể. Đối với việc thực hiện tại các địa phương, chúng tôi sẽ xem lại vì đó thuộc thẩm quyền của giám đốc công an tỉnh” - vị này nói.

Trả lời câu hỏi sau khi nghị định và thông tư có hiệu lực, C67 có tập huấn hoặc hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị địa phương hay không, cán bộ này cho hay do thông tư của Bộ Công an đã quy định rất rõ nên C67 chưa tiến hành tập huấn. Vị này cũng đề nghị PV liên hệ thêm với Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp của Bộ Công an để có thêm thông tin.

TUYẾN PHAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm