Kho bãi quá tải, xe tang vật thành sắt vụn

Một chấp hành viên của một chi cục thi hành án (THA) dân sự ở TP.HCM mở kho vật chứng cho PV xem. Thật bất ngờ, kho rộng thênh thang mà chỉ có lác đác vài chiếc xe máy và xe đạp bụi phủ trắng xóa.

Nước tràn vào kho, xe nào chịu nổi

Vị chấp hành viên nói trên kể: “Chúng tôi có kho cả năm nay rồi. Tôi không biết lý do vì sao công an lại không chuyển hết tang vật qua mà chỉ chuyển mấy chục chiếc xe. Trong khi đó kho của công an thì chật kín. Khi nào bên đó không có chỗ để mới chuyển qua đây, có xe đã bị gãy đôi từ bao giờ. Đương sự muốn lấy xe, chúng tôi phải ra quyết định báo cho bên công an biết trước để họ xem xe nằm đâu, chừng nào họ báo có xe rồi mới sang nhận. Nhiều người đến nhận xe, họ hỏi “Chìa khóa xe tôi đâu?”, chấp hành viên chỉ có thể trả lời không biết, công an giao sao thì THA nhận vậy”.

Với nơi có kho là vậy, còn nơi chưa có kho thì tình trạng còn căng hơn. Điển hình như Chi cục THA dân sự quận Bình Tân (TP.HCM) không có kho vật chứng nên phải gửi nhờ (xe) tang vật tại kho của công an. Trong khi đó, trụ sở công an quận này cũng bị ngập nên kho vật chứng cũng không tránh bị nước tràn vào. Điều này cũng là một trong những nguyên nhân góp phần làm hư hao tang vật.

Ông Phạm Ngọc Thanh, Chi cục trưởng THA dân sự quận Bình Tân, cho biết: “Theo quy định trước đây, mỗi đơn vị phải được một kho vật chứng trên dưới 1.000 m2. Nhưng do điều kiện không cho phép nên không chỉ riêng cơ quan tôi, còn nhiều cơ quan khác cũng không có kho vật chứng, phải gửi nhờ bên công an. Bên đó họ cũng quá tải nên chúng tôi cũng bị phàn nàn hoài. Về nguyên tắc, xe tang vật vụ án thường được bỏ trong kho, có che mưa che nắng để tránh mất mát, hư hao tài sản của đương sự”.

 
Chiếc Cub 81, xe tang vật của bà Nguyễn Thị Điệp (bị mất trộm) tại Công an huyện Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: N.NGA

Cho đặt tiền bảo đảm để lấy xe tang vật về?

Đứng trước thực trạng thiếu kho vật chứng, Cục THA dân sự đã đề nghị lãnh đạo TP và UBND các quận/huyện cấp mặt bằng để xây dựng cụm kho vật chứng cho các chi cục THA dân sự quận/huyện còn thiếu. Đó là các quận 1, 5, 9, 11, Phú Nhuận, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Tân và huyện Hóc Môn.

Ngoài ra, theo kế hoạch công tác trọng tâm năm 2015 của ngành THA dân sự TP.HCM thì năm nay phải phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành xử lý vật chứng tồn đọng nhiều năm để giải quyết dứt điểm các vụ việc THA có điều kiện giải quyết liên quan đến vật chứng.

Hiến kế thêm, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng cần nghiên cứu cho phép đương sự đặt khoản tiền, tài sản bảo đảm tương ứng để họ nhận xe tang vật về, thay vì để lưu kho lâu ngày dễ gây hư hao, giảm giá trị. Theo đó, nếu người có liên quan đến vật chứng (chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc người nhận là tài sản của mình) có địa chỉ cư trú rõ ràng thì có thể cho họ đặt tiền bảo đảm tương ứng để họ lấy xe mô tô, xe ô tô… về khai thác, sử dụng. Điều này không chỉ giải quyết được vấn đề về chi phí bảo quản mà còn không gây ra thiệt thòi cho người chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp vật chứng về sau.

Cần phải lập biên bản mô tả vật chứng

Về nguyên tắc, luật quy định việc giao vật chứng cho chủ sở hữu bảo quản như sau: Đối với vật chứng không thể đưa về cơ quan tiến hành tố tụng để bảo quản thì nên giao vật chứng đó cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp đồ vật, tài sản hoặc người thân thích của họ hoặc chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức nơi có đồ vật bảo quản (điểm c khoản 2 Điều 75 BLTTHS).

Tuy nhiên, thực tế việc hiểu thế nào là “không thể đưa về cơ quan tiến hành tố tụng để bảo quản” đã bị hiểu một cách máy móc. Trong nhiều vụ án, xe ô tô thì được giao về cho chủ sở hữu sau khi đã chụp ảnh, khám xét vật chứng kỹ càng, còn xe máy thì hầu như đều bị thu giữ về cơ quan điều tra, gây nên quá tải.

Để khắc phục tình trạng này, theo tôi cần sửa đổi BLTTHS theo hướng: Đối với vật chứng vì cồng kềnh hoặc lý do khác không thể đưa về cơ quan tiến hành tố tụng để bảo quản hoặc để tránh hư hỏng hữu hình hoặc vô hình cho đồ vật thì cơ quan tiến hành tố tụng chụp ảnh, lập biên bản mô tả đồ vật, rồi giao vật chứng đó cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp đồ vật, tài sản hoặc người thân thích của họ hoặc chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức nơi có đồ vật bảo quản (bổ sung, sửa đổi điểm c khoản 2 Điều 75 BLTTHS).

Khoản 2 Điều 76 BLTTHS quy định: Việc xử lý vật chứng do CQĐT quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do VKS quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do tòa án hoặc HĐXX quyết định ở giai đoạn xét xử.

Việc giới hạn quyền xử lý vật chứng như trên cũng là nguyên nhân khiến CQĐT, VKS có tâm lý chờ đợi tòa xét xử quyết định, mà một vụ án hình sự thì nhanh nhất cũng phải sáu tháng mới xử xong, có vụ vài ba năm án mới có hiệu lực pháp luật. Lúc đó chiếc xe vật chứng có thể đã là đống sắt phế liệu, chưa kể hiện tượng tiêu cực như kẻ xấu đã tháo, tráo phụ tùng hoàn toàn có thể xảy ra.

Để khắc phục tình trạng này, thiết nghĩ cần quy định sau khi đã giám định phục vụ công tác điều tra, nên lập biên bản mô tả xe tang vật rồi giao cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp, người thân thích của họ hoặc chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức nơi có đồ vật bảo quản, sau đó chờ xử lý của cơ quan tố tụng.

Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Quy trình xử lý xe tang vật

Khi kết thúc điều tra, hồ sơ chuyển qua VKS, VKS phải chuyển tang vật cho THA quản lý. Bản án có hiệu lực, trong thời hạn ba tháng, nếu đương sự không tới nhận xe, chấp hành viên phải xử lý tài sản bằng cách chuyển giao Phòng Tài chính bán đấu giá, gửi tiết kiệm. Hết thời hạn năm năm mà đương sự không đến nhận tiền thì sung quỹ nhà nước. Nếu khi thẩm định giá thấy không còn giá trị thì tiêu hủy.

Ông PHẠM NGỌC THANH, Chi cục trưởng THA dân sự quận Bình Tân, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm