Bị tăng ca 90 giờ/tháng, làm sao bảo vệ quyền lợi?

Hiện nay công ty tôi thường bắt công nhân phải tăng ca quá thời gian quy định, một tháng thường chúng tôi phải tăng ca trên 90 giờ. Chúng tôi cảm thấy mệt mỏi và áp lực vô cùng nhưng nếu chúng tôi có ý kiến hay khiếu nại gì thì lại sợ công ty kiếm cách đuổi việc. Chúng tôi phải làm thế nào?

Ông NGUYỄN TẤT NĂM, Trưởng phòng Lao động, Tiền lương, Tiền công Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, hướng dẫn: Theo quy định tại khoản 2 Điều 106 Bộ luật Lao động năm 2012 về làm thêm giờ, người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: Được sự đồng ý của người lao động; bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong một ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong một ngàykhông quá 30 giờ trong một tháng và tổng số không quá 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong một năm.

Theo thư bạn thì công ty của bạn đã vi phạm quy định về làm thêm giờ, mức phạt được quy định tại khoản 3, 4 Điều 14 Nghị định 95/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động (huy động người lao động làm thêm giờ mà không được sự đồng ý của người lao động và huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ tại điểm b khoản 2 Điều 106 Bộ luật Lao động hoặc quá 12 giờ trong một ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần).

Đề nghị bạn phản ánh với công đoàn cơ sở công ty hoặc công đoàn cấp trên để yêu cầu công ty thực hiện đúng quy định về làm thêm giờ. Hoặc bạn có thể khiếu nại, tố cáo đến cơ quan quản lý về lao động hay cơ quan thanh tra lao động tại địa phương thuộc tỉnh B để yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật nêu trên.

Công ty không thể đuổi việc bạn vì lý do trên, chỉ khi nào bạn thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ thì công ty có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng với bạn theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm