Dù tình hình nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng sau đại dịch COVID-19 nhưng thời gian qua, tỉnh Bình Định đã có bước phát triển đột phá với nhiều thành tựu ấn tượng. Tính đến cuối năm 2023, quy mô kinh tế của tỉnh Bình Định xếp thứ 5/14 tỉnh, thành vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, xếp thứ 3/5 địa phương khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.
Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, khẳng định để đạt được những kết quả này, tỉnh đã tập trung thực hiện một số chủ trương, giải pháp đột phá. Cụ thể, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông với nhiều công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng. Cùng với đó, tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ, tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Thu hút đầu tư, hoàn thiện hạ tầng
. Phóng viên: Năm 2023, một trong những thành tựu ấn tượng của tỉnh Bình Định là đầu tư hoàn thiện hạ tầng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Vậy tỉnh đã có những giải pháp cụ thể nào để tạo sự đồng thuận, huy động được các nguồn vốn, nguồn lực xã hội?
+ Ông Hồ Quốc Dũng: Trong đầu tư hoàn thiện hạ tầng, tỉnh Bình Định có một số điểm nổi bật như hoàn thành nhiều công trình giao thông trọng điểm; các khu đô thị mới, nâng cấp hệ thống thoát nước, xử lý rác thải, cải thiện môi trường sống cũng được hoàn thiện. Cạnh đó là xây dựng, phát triển các khu, cụm công nghiệp, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Để đạt được những thành tựu trên, chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Cụ thể, tăng cường phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về các chủ trương, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh. Giải thích rõ tầm quan trọng của việc đầu tư hạ tầng đối với phát triển kinh tế - xã hội.
Chúng tôi cũng tập trung phát huy lợi thế và đa dạng hóa nguồn vốn để phát triển hạ tầng. Chú trọng công tác lập quy hoạch phát triển hạ tầng đồng bộ, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Song song đó, khai thác lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và nhân lực của tỉnh để thu hút đầu tư; tăng cường nguồn vốn ngân sách, đồng thời tích cực thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách như vốn đầu tư tư nhân, vốn ODA, PPP... Đặc biệt, tỉnh Bình Định đã chủ động, tích cực tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương trong đầu tư phát triển hạ tầng.
Một giải pháp khác mà tỉnh đưa ra là tập trung rà soát quỹ đất, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư; đôn đốc các địa phương đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng; chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật trong các khu, cụm công nghiệp. Tập trung ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; dự án của các nhà đầu tư có công nghệ cao, sạch, hiện đại đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ...
Ngoài ra, chúng tôi cũng ưu tiên thu hút đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị nông sản hay dự án công nghệ cao... Trong đó, lấy chất lượng, hiệu quả, bảo vệ môi trường làm phương châm thu hút đầu tư.
Trong quá trình thực hiện, chúng tôi cũng tăng cường công tác quản lý, giám sát; đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ thi công, sử dụng vốn đầu tư hiệu quả, tiết kiệm và chống tham nhũng, lãng phí trong đầu tư hạ tầng; tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, công khai cho các nhà đầu tư.
. Trong năm 2024, Đảng bộ tỉnh Bình Định có những chủ trương, giải pháp trọng tâm nào để hoàn thành các kế hoạch đã đặt ra, chuẩn bị về đích thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025?
+ Năm 2024, tỉnh Bình Định đặt ra mục tiêu tổng quát là tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh để đầu tư phát triển, đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh khoảng 7,5%-8%. Điều này sẽ được thực hiện thông qua triển khai Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng và tập trung vào nhiều lĩnh vực khác nhau…
Chúng tôi cũng xác định phương châm chỉ đạo, điều hành là đổi mới phong cách theo hướng “làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá”. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu và đặc biệt là chuyển đổi tư duy từ “chính quyền quản lý” sang “chính quyền phục vụ”.
Ngoài ra, tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, quyết tâm phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung.
Lấy giá trị văn hóa, con người Bình Định làm trung tâm
. Với cương vị người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Bình Định, ông tâm đắc nhất điều gì trong Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt?
+ Điều tôi tâm đắc nhất trong bản quy hoạch này là sự phù hợp với định hướng, tầm nhìn phát triển đất nước. Thứ hai là phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương. Thứ ba là lấy con người làm trung tâm. Quy hoạch xác định con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển.
Thứ tư là đề cao giá trị văn hóa, con người Bình Định. Quy hoạch lấy giá trị văn hóa, con người Bình Định làm trung tâm nhằm phát huy sức mạnh nội sinh quan trọng, tạo nên bản sắc riêng cho sự phát triển của tỉnh.
. Tỉnh Bình Định triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh ra sao để đây thật sự là đường hướng, là công cụ quan trọng trong thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương?
+ Hiện nay, chúng tôi đang tích cực xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh, đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của từng đơn vị trong triển khai thực hiện quy hoạch.
Tỉnh cũng đang rà soát, điều chỉnh các quy hoạch liên quan, tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng kết nối với cảng biển, cảng hàng không để sẵn sàng đáp ứng năng lực của các dự án đầu tư.
Ngoài ra, chúng tôi còn tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương, đồng thời điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách thu hút đầu tư. Ưu tiên các dự án công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, cũng như khuyến khích, thu hút các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ.
Một vấn đề khác mà tỉnh Bình Định thực hiện là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin đối với các thủ tục liên quan đến hoạt động đầu tư. Song song đó, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.
. Xin cảm ơn ông.
Điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư
Bình Định, một tỉnh Duyên hải miền Trung Việt Nam, đang ngày càng vươn mình phát triển với những tiềm năng to lớn và môi trường đầu tư ngày càng hoàn thiện. Tỉnh cũng sở hữu vị trí chiến lược quan trọng và tiềm năng phát triển to lớn, có hạ tầng đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào và môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch.
Hiện nay, chúng tôi đang ưu tiên thu hút đầu tư vào năm trụ cột chính gồm công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng và logistics, kinh tế đô thị.
Chính vì vậy, chúng tôi luôn rộng cửa chào đón các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến khảo sát thực tế, tìm hiểu tiềm năng, cơ hội đầu tư. Chúng tôi cam kết sẽ đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án.
Chúng tôi tin tưởng tỉnh Bình Định sẽ luôn là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước để cùng nhau xây dựng tỉnh nhà ngày càng thịnh vượng, phát triển.
Ông HỒ QUỐC DŨNG, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định
*********
Một số mục tiêu phát triển đến năm 2030
- Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt từ 8,5% trở lên. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 đạt bình quân 7%-7,5%/năm, giai đoạn 2026-2030 đạt 9,8%-10,8%/năm (giá so sánh năm 2010).
- Tăng tưởng ngành nông nghiệp tăng 3,2%-3,3%/năm; công nghiệp - xây dựng tăng 12,2%-13,2%/năm; dịch vụ tăng 8,1%-8,3%/năm…
- GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đến năm 2030 là 204-213 triệu đồng/người (khoảng 7.500-7.900 USD).
- Đến năm 2030, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 30.000-35.000 tỉ đồng/năm.
- Kinh tế số chiếm 30% GRDP.
(Quyết định 1619/2023 của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050)