TP Cần Thơ mới đây đã tổ chức kỷ niệm 20 năm trở thành TP trực thuộc Trung ương (1-1-2004 – 1-1-2024). Những kết quả đạt được trong 20 năm qua là tiền đề, nền tảng quan trọng giúp tạo đà cho TP phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, cho biết năm 2024 là năm bản lề để thực hiện thắng lợi kế hoạch năm năm 2021-2025 và mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng TP Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra. TP cũng sẽ tập trung quán triệt nội dung và tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt.
Bốn trọng tâm để Cần Thơ bứt phá
. Phóng viên: Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các định hướng về phát triển TP Cần Thơ có điểm gì đột phá và là trụ cột phát triển để TP thực sự bứt phá đến năm 2025 và 2030, thưa ông?
+ Ông Nguyễn Văn Hiếu: Ngày 2-12-2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định 1519/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định cụ thể các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá để phát triển.
Một là đổi mới mạnh mẽ tư duy lãnh đạo, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp và tư duy kinh tế của doanh nghiệp, người dân gắn với thực hiện chuyển đổi số dựa trên ba trụ cột chính gồm kinh tế số, xã hội số, chính quyền số.
Hai là nghiên cứu, xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa và phát huy hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm có tính chiến lược và lan tỏa.
Ba là thu hút và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực trong các lĩnh vực mũi nhọn. Tăng cường liên kết với các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu chuyên sâu trong và ngoài nước để thực hiện mục tiêu phát triển.
Cuối cùng là tái cấu trúc không gian đô thị, đặc biệt trong các quận trung tâm nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất. Đồng thời, tạo quỹ đất phát triển những khu vực trọng điểm cấp vùng về y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao, du lịch, thương mại, dịch vụ.
Ưu tiên phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao
. Trong một số cuộc họp gần đây, ông cho rằng Cần Thơ nên phát triển theo hướng công nghiệp để tạo ra năng lực sản xuất mới, tạo động lực phát triển. Ông có thể lý giải thêm về định hướng này?
+ Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định Cần Thơ là trung tâm đô thị, trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao của vùng ĐBSCL.
Thời gian qua, trong cơ cấu các ngành kinh tế, phát triển công nghiệp không những tạo ra giá trị gia tăng cao cho TP mà còn tác động lan tỏa tổng thể đến chất lượng tăng trưởng kinh tế, sự ổn định, bền vững của kinh tế TP. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc tích lũy cơ sở vật chất cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của TP những năm tiếp theo.
118.000
tỉ đồng là giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn TP Cần Thơ năm 2023, gấp 10,2 lần so với năm 2004. Tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP/người) năm 2023 đạt 94,7 triệu đồng, gấp 9,2 lần so với năm 2004.
Mặt khác, xuất phát từ điều kiện, yêu cầu thực tiễn cũng như quy hoạch TP Cần Thơ, việc phát triển công nghiệp trong đó chú trọng đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh, công nghệ sạch, công nghệ tái tạo trở thành lợi thế, ưu tiên hàng đầu và là mũi nhọn trong phát triển kinh tế TP Cần Thơ thời gian tới.
Chính vì vậy, việc đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ là phù hợp với định hướng, mục tiêu phát triển TP trong thời gian tới, góp phần tạo ra năng lực sản xuất mới, động lực mới, mở ra cơ hội mới cho phát triển TP. Đồng thời, thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp vào sự phát triển ổn định, bền vững của TP.
Cũng trong quy hoạch, đến năm 2025 Cần Thơ dành khoảng 2.500 ha đất cho các khu công nghiệp và cụm công nghiệp; quy hoạch đến năm 2040 là khoảng 7.000 ha đất cho khu công nghiệp.
Xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, vì sự phát triển của TP
. Sau 20 năm là TP trực thuộc Trung ương, TP Cần Thơ đã có những bước tiến vượt bậc, dù vậy năng lực sản xuất mới chưa có được đột phá, lan tỏa như mong muốn. Vậy thời gian tới, Đảng bộ và chính quyền TP Cần Thơ sẽ làm gì để thực sự là “anh cả” của vùng ĐBSCL?
+ Để phát huy vai trò, vị trí là trung tâm của vùng ĐBSCL, chúng tôi sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, công tác quản lý đô thị, đất đai.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát triển nền kinh tế tri thức, trọng tâm là kinh tế số và tăng trưởng xanh.
Cùng đó là phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cho phát triển các ngành kinh tế công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao mũi nhọn, có lợi thế. Tinh thần là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Cần Thơ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao đời sống của nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường. Có sự chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế đối ngoại và hợp tác liên kết phát triển; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển.
Đảng bộ và chính quyền TP Cần Thơ cũng tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đáng chú ý, Cần Thơ cũng luôn quan tâm xây dựng, nâng cao chất lượng nguồn lực của TP, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động luôn có trách nhiệm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, vì sự phát triển của TP…
. Xin cảm ơn ông.
Diện mạo TP thay đổi nhờ hệ thống giao thông liên vùng
Sau 20 năm là TP trực thuộc Trung ương, quy mô nền kinh tế của Cần Thơ được mở rộng, đóng góp vào sự phát triển chung của vùng ĐBSCL và cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng theo hướng, phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ, giảm dần tỉ trọng khu vực nông nghiệp.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh, ngành thương mại, dịch vụ phát triển nhanh, đa dạng, giữ vai trò chủ lực trong cơ cấu GRDP; cơ sở hạ tầng và sản phẩm du lịch không ngừng được đầu tư xây dựng, nâng cấp.
Nguồn lực tài chính được đẩy mạnh, nguồn thu phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng đóng vai trò quan trọng, tạo sự chủ động và tăng tính ổn định của ngân sách nhà nước.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư phát triển làm thay đổi nhanh chóng diện mạo TP. Đặc biệt là hệ thống giao thông, sân bay, bến cảng, các công trình văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục và đào tạo, nông thôn mới... được đầu tư xây dựng, góp phần làm tăng tính kết nối, đồng bộ cũng như cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải liên vùng và liên vận quốc tế.
Công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với đất nước, đối tượng bảo trợ xã hội được quan tâm kịp thời, đầy đủ; công tác giảm nghèo bền vững cũng đạt nhiều thành tựu quan trọng.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ NGUYỄN VĂN HIẾU