Sáng 28-4, Hội thảo Giải pháp Bảo tồn và phát triển bền vững Bán đảo Sơn Trà đã được Trung tâm Con người và Thiên nhiên, Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh và Nhóm nghiên cứu- Giảng dạy Môi trường & Tài nguyên sinh vật thuộc Đại học Đà Nẵng tổ chức.
Tại hội thảo, T.S Vũ Ngọc Long (Viện Sinh Thái học Miền Nam) khẳng định, đa dạng sinh học và hệ sinh thái của Bán đảo Sơn Trà là rất quý hiếm, không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới. Hiện diện tại Bán đảo trong đó có loài Voọc chà vá chân nâu đã được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đưa vào danh sách đỏ động vật nguy cấp cần được bảo vệ.
Cụ thể, theo một nghiên cứu từ năm 2008, quần thể Voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà gồm khoảng 12 bầy với ít nhất 171 cá thể, hiện đã bị tách rời ở hai khu vực đông và tây của bán đảo do sự phát triển của các khu du lịch, nhà hàng và đường giao thông.
Vấn đề bảo vệ bán đảo Sơn Trà và loài voọc chà vá chân nâu được đề cập tại hội thảo. Ảnh: KIỀU VŨ.
Ông Long cũng cho biết, quần thể chà vá chân nâu ở Sơn Trà vẫn còn khả năng phát triển nếu sinh cảnh được cải thiện. Điều này chỉ có thể diễn ra khi Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà đã được thông qua được xem xét lại.
“Bán đảo Sơn Trà với địa thế 3 mặt giáp biển, chỉ 1 mặt nối với đất liền không hề có cơ hội mở rộng và thực tế đang được quy hoạch theo hướng thu hẹp lại khu bảo tồn thiên nhiên. Chúng ta cần nghiên cứu thật kỹ bài toán giữa bảo tồn và phát triển khi xem xét đến những giá trị to lớn mà bán đảo mang lại về thiên nhiên, văn hóa, an ninh quốc phòng”, TS Long nói.
Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh thì nói : “Có nên đánh đổi Sơn Trà xinh đẹp của chúng ta lấy du lịch không? Câu trả lời là có, nhưng phải làm như thế nào, phải xác định ranh giới, mức độ đánh đổi để làm du lịch ra sao để vẫn giữ được một trong bốn thương hiệu của Đà Nẵng là Sông Hàn, Hải Vân, Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà”.