Ngày 2-4, ông Josh Kempinski, Giám đốc Tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế (FFI); ông Ben Rawson, Giám đốc Bảo tồn và Chương trình phát triển tổ chức quỹ bảo tồn thế giới (WWF) tại Việt Nam, đã đi kiểm tra thực tế tại bán đảo Sơn Trà sau những lo ngại về môi trường do các dự án xây dựng tại đây gây ra.
Đoàn còn có ông Jonathan Charles Eames, Tổ chức Bảo tồn chim quốc tế; TS Hà Thăng Long, Hội Động vật học Frankfurt tại Việt Nam; ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học GreenViet…
Lãnh đạo TP Đà Nẵng kiểm tra việc xây dựng 40 móng biệt thự của Công ty Cổ phần Biển Tiên Sa tại Sơn Trà. Ảnh: LÊ PHI
Tại chuyến đi này, ông Jonathan Charles Eames cho rằng Sơn Trà là một trong những hệ sinh thái rừng ven biển hiếm còn tương đối nguyên vẹn tại khu vực Đông Nam Á. Đây không chỉ báu vật đối với người Đà Nẵng mà của cả thế giới.
“Chúng ta nói nhiều về du lịch sinh thái nhưng việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng trên núi như thế này không phải là du lịch sinh thái. Du lịch sinh thái là cần tôn trọng thiên nhiên để có thể phát triển lâu dài" - ông Jonathan Charles Eames nói.
TS Hà Thăng Long nhấn mạnh hệ sinh thái rừng ở đây (khoảng 1.056 ha) thực sự quan trọng không chỉ đối với loài chà vá chân nâu, một loài linh trưởng nguy cấp mà còn quan trọng đối với người dân Đà Nẵng vì chức năng điều hòa không khí, giữ gìn nguồn nước bề mặt, bổ sung nước ngầm. Theo TS Long, việc xây dựng, gia tăng các tác động lên Sơn Trà chắc chắn sẽ dẫn đến suy thoái tính đa dạng, giảm sự phong phú quần thể các loài cá, tôm và các nguồn lợi thủy sản khác.
Còn ông Josh Kempinski khẳng định hiếm có TP lớn hơn 1 triệu dân nào ở trên thế giới lại có khu rừng ngay trong lòng TP như ở Đà Nẵng. "Đà Nẵng nên giữ gìn nguyên vẹn khu rừng này để tạo ưu thế phát triển lâu dài".