Đến dự có Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm và nhiều lãnh đạo khác.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM, khuyến khích các em thiếu nhi bày tỏ mong muốn của mình đối với các vị lãnh đạo của TP
Đặc biệt là sự có mặt của 157 em đội viên - học sinh tiêu biểu đại diện cho hơn 1,3 triệu trẻ em TP. Các em là tài năng trẻ tiêu biểu trên các lĩnh vực, học sinh giỏi tiêu biểu, các thành viên tích cực của các câu lạc bộ, đội nhóm nhà thiếu nhi, các em là con công nhân, con chiến sĩ lực lượng vũ trang, chiến sĩ hải quân đang công tác ở vùng biên giới, hải đảo.
Lãnh đạo TP chụp hình lưu niệm cùng các em thiếu nhi
Các em được nói những trăn trở, mong muốn của mình
Nhiều vấn đề được các em thiếu nhi nêu ra tại buổi gặp gỡ, trong đó nổi lên là những trăn trở về chương trình học quá tải, đổi mới sách giáo khoa, chất lượng phục vụ của nhân viên xe buýt chưa tốt, ý thức giữ môi trường chưa được cải thiện…
Bày tỏ nguyện vọng của mình, em Mai Thị Yến (Trường THCS Đoàn Kết, quận 6) đề nghị phân phối lại chương trình học cho phù hợp hơn bởi vì hiện nay chương trình học quá nặng làm các em mệt mỏi.
Do có nhiều bạn muốn đóng góp ý kiến mà thời gian có hạn nên mỗi bạn được phát một phiếu ý kiến để ghi nguyện vọng của mình vào
Em Giang Thị Mộng Như, THCS Tân Tạo, quận Bình Tân, cho biết sách giáo khoa đang học số liệu chưa được đổi mới nên chưa nắm bắt được tình hình mới. Em Như đề nghị đổi mới số liệu trong sách giáo khoa.
Quan tâm đến vấn đề xe buýt, em Nguyễn Phạm Hải Phượng, Trường Trần Quang Khải, quận 12, bày tỏ: Xe buýt rất thuận lợi nhưng khi lên xe buýt, các bác tài xế và nhân viên xe buýt có thái độ rất khó chịu. Em cho rằng có lẽ do giá vé học sinh thấp nên mới có thái độ như vậy. Em đề nghị cần chấn chỉnh thái độ này.
Một bạn nhỏ mong có thêm nhiều khu vui chơi cho học sinh sau giờ học
Em Phan Lê Ánh Dương, học sinh một trường ở Hóc Môn, cho rằng các huyện ngoại thành rất ít khu vui chơi cho thiếu nhi nên đề nghị TP xây khu vui chơi cho các huyện ngoại thành.
Nhiều vấn đề lớn của TP.HCM cũng được các em quan tâm. Như em Trần Phan Bảo Ngọc, Trường Trung học Nguyễn Du (quận Gò Vấp), phản ánh việc một số CSGT làm việc chưa theo pháp luật, chưa theo trật tự nào cả, có chú bắt phạt dân mà không nói rõ phạt vì lỗi gì cho dân biết. Em Ngọc mong TP chấn chỉnh lại.
Một bạn nhỏ mong lãnh đạo chấn chỉnh tình trạng vi phạm giao thông như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều và ý thức bảo vệ môi trường của người dân.
Đó cũng là mong muốn của lãnh đạo TP
Chia sẻ với các em thiếu nhi, Bí thư Đinh La Thăng cho biết: ý kiến của các em có cùng chung một suy nghĩ, là điều khát khao muốn TP phát triển, đổi mới ngày càng đẹp hơn, phát triển hơn, có điều kiện học hành tốt hơn, điều kiện vui chơi giải trí tốt hơn. Đó cũng là mong muốn của các thế hệ lãnh đạo TP, hoàn toàn có thể thực hiện được điều đó.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đề nghị các lãnh đạo xem xét chấn chỉnh những vấn đề các em thiếu nhi nêu ra
Ông Thăng cũng cho biết trân trọng lắng nghe các ý kiến phát biểu, phản ánh tâm tư nguyện vọng, cũng là hiến kế trước mắt, việc cụ thể cũng như lâu dài. Chúng ta thấy mặc dù trong năm qua, các ban ngành của TP đã quan tâm chăm sóc bảo vệ thiếu niên nhi đồng nhưng so với yêu cầu phải nỗ lực nhiều hơn.
Ông Thăng đề nghị UBND và HĐND TP chỉ đạo rà soát các chủ trương, chính sách của TP liên quan đến chăm sóc bảo vệ thiếu niên nhi đồng để TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Ông Thăng cũng đề nghị giám đốc sở ban ngành trên cơ sở ý kiến của các cháu, để có kế hoạch triển khai cụ thể. "Như Sở Giáo dục, đối với TP đô thị đặc biệt thì làm việc triển khai thế nào, đề nghị anh Sơn (Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT TP) tham mưu cụ thể, có lộ trình thực hiện giảm tải, đổi mới sách giáo khoa, giảng dạy thế nào… để các cháu biết và thực hiện" - ông Thăng nói.
Bí thư Đinh La Thăng cũng yêu cầu cần nâng cao tinh thần trách nhiệm thực thi công vụ, gương mẫu trong nhà trường. “Các cháu nói cảnh sát giao thông mà thực ra là tất cả ngành cần tự chấn chỉnh mình, làm việc lịch sư, cần mẫn, chăm chỉ, đúng giờ. Thái độ phục vụ dân phải nâng cao, hòa nhã, gương mẫu. Các công việc cụ thể ít tốn tiền có thể làm ngay, cho triển khai làm ngay như xe buýt, rà soát lại trợ giá xe buýt” - ông Thăng nói và cho rằng vấn đề tổ chức phân làn, tuyến có thể làm được ngay.
Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn cho biết TP đang tiếp tục phổ cập môn bơi lội trong tất cả trường học, chú ý chương trình giảm tải và đổi mới sách giáo khoa trong thời gian tới
Ông Thăng cũng đề nghị các cháu thiếu nhi TP thực hiện tốt Năm điều Bác Hồ dạy, đồng thời phải nuôi dưỡng khát vọng, học giỏi, khỏe mạnh để sau này xây dựng TP. Ông Thăng cho rằng muốn làm chủ TP phải có tri thức, sức khỏe, khát vọng xây dựng TP ngày càng đẹp hơn.
Ông cũng đề nghị các cháu lao động tốt, học tập tốt, bắt đầu từ những việc đơn giản, hoàn thành bài tập từng ngày, không cao xa, học giỏi nhưng không theo thành tích như một số em nói. “Thế hệ các cháu là thế hệ của hội nhập toàn cầu, phải học tốt các môn ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, công nghệ thông tin mới hội nhập được” - ông Thăng chia sẻ và cho rằng như thế mới năng động, sáng tạo, tự tin được.
Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Nguyễn Xuân Cường tiếp thu ý kiến của các em thiếu nhi và tiếp tục chấn chỉnh các phương tiện giao thông công cộng vi phạm
Ông Thăng cũng mong muốn các em cố gắng rèn luyện kỹ năng sống để tự bảo vệ mình, không để người khác bắt nạt, xâm hại, tự rèn luyện tư duy độc lập sáng tạo. TP năng động sáng tạo thì các cháu làm chủ phải làm được thế. Các cháu đã làm tốt, nay làm tốt hơn nữa.
Các cháu cũng cần làm tốt hơn mục tiêu xây dựng TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. “Nỗ lực của các chú cần thiết nhưng cần nỗ lực của các cháu, sự ngoan ngoãn chăm lo học hành là động lực tinh thần cho các cô chú hoàn thành công việc của mình".
“Tất cả chúng ta, trong đó có hơn 1,4 triệu thiếu niên nhi đồng cùng tham gia xây dựng TP, cùng chung một khát vọng đổi mới, chung tình yêu TP, xứng đáng là cháu ngoan của TP mang tên Bác phải có thương hiệu riêng. Thiếu niên nhi đồng ở TP.HCM phải có thương hiệu riêng của TP mang tên Bác, khác với chỗ khác. Khác ở chỗ khác là chúng ta năng động hơn, sáng tạo hơn, chủ động hơn, yêu TP hơn, khác vọng đổi mới, khát vọng làm giàu cho TP, cho Tổ quốc” -ông Thăng nói.
Bí thư Đinh La Thăng “truy” giám đốc Sở Giáo dục Trước phản ánh của các em về giảm tải chương trình học, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Lê Hồng Sơn cho hay chương trình khung do Bộ GD&ĐT quy định, TP chỉ biên soạn, chỉ đạo chương trình giảm tải, tạo hứng thú cho học sinh. Còn về sách giáo khoa số liệu cũ, ông Sơn cho biết TP bắt đầu biên soạn mới, cập nhật thông tin cần thiết. Dự kiến năm 2018 sẽ có chương trình mới. Về việc xây hồ bơi trong nhà trường, ông Sơn báo tin vui là Chính phủ đã cho phép vận dụng xã hội hóa để phát triển thể thao trong nhà trường, có thể vận dụng để xây dựng hồ bơi, đảm bảo kinh phí bảo trì, vận hành. Trước đây, không có cơ chế xã hội hóa, ngân sách trường không đủ. Xe đưa đón học sinh, TP đã làm nhiều năm. Phụ huynh có đăng ký cho các em đi học thì nhà trường mới tổ chức được. Trước phần trả lời của ông Sơn, các em thiếu nhi đã vỗ tay. Bí thư Đinh La Thăng hỏi: “Các cháu đã vỗ tay rồi, thầy Sơn cũng trả lời rất dài. Nghe thầy Sơn trả lời các cháu hài lòng chưa?”. Sau đó, bí thư Thành ủy nói tiếp: “Thầy Sơn nói có chuyện quá tải, sẽ giảm tải. Năm nay quá tải chừng này thì sang năm giảm tải bao nhiêu. Ví dụ như xe buýt, các cháu phản ánh các anh phải đi kiểm tra có nhồi nhét không? Hay chuyện hồ bơi, toàn TP có phong trào đi bơi, phải có thống kê hơn 1,4 triệu thiếu nhi thì có bao nhiêu cháu đã biết bơi, còn bao nhiêu cháu chưa biết bơi, ở nơi nào? Kế hoạch năm nay được bao nhiêu, sang năm bao nhiêu? Tôi hoan nghênh xã hội hóa nhưng phải có lộ trình chứ không thể chung chung, tiêu chí cụ thể”. Ông Đinh La Thăng cũng băn khoăn về thời gian cập nhật số liệu trong sách giáo khoa. “Tới năm 2018 mới có thì từ nay đến đó các em vẫn học số liệu cũ à?” - ông Thăng đặt vấn đề. Ông Thăng đề nghị ông Lê Hồng Sơn trả lời phải cụ thể những nội dung trên. “Các cháu vỗ tay là ngoại giao với thầy chứ chưa chắc hài lòng. Nếu không có lộ trình cụ thể thì sang năm các cháu lại phản ánh chuyện sách giáo khoa cũ, lại chuyện muốn bơi” - ông nhận xét. |