Chiều 8-1, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cùng các lãnh đạo TP đã có buổi gặp mặt báo chí đầu năm 2019.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trả lời báo chí. Ảnh: TÁ LÂM
Trả lời câu hỏi của Pháp Luật TP.HCM liên quan đến việc xử lý cán bộ sai phạm của TP trong thời gian qua, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết năm 2018 TP có nhiều sóng gió, có cán bộ bị xử lý vi phạm. Đó là tổn thất với TP.HCM. “Thường vụ Thành ủy cũng buồn vì kỷ luật cán bộ. Mỗi người, mỗi cấp phải rút kinh nghiệm, nếu vi phạm pháp luật sẽ gây hậu quả kéo dài, mà chắc chắn nếu hôm nay vi phạm thì trong tương lại sẽ bị phát hiện”, ông Nhân nói.
Theo ông Nhân, cán bộ phải ghi nhớ những biểu hiện sai phạm để tránh làm trái pháp luật, để xác định được đúng sai. “Khi làm việc, người lãnh đạo phải tập trung, dân chủ, việc này giúp làm việc và hành xử an toàn. Tiếp theo là phải nhạy cảm chính trị, làm lãnh đạo càng cao thì phải biết quyết định của mình ảnh hưởng đến càng nhiều người”, ông Nhân chia sẻ.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết thêm trong năm qua TP đã chủ động đề ra các giải pháp để kịp thời phát hiện, xử lý các tập thể và cá nhân sai phạm. Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành và triển khai thực hiện Qui định số 1374 ngày 1-12-2017 về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan đến các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Kết quả sau một năm, Thành ủy và cấp ủy các cấp đã tiếp nhận 1.455 tin phản ánh. Từ đó đã xử lý kỷ luật 93 cán bộ công chức và 59 đảng viên. Ông Nhân cho rằng, đây là con số không mong muốn và là con số không phải do các cơ quan Đảng và chính quyền phát hiện mà do nhân dân phát hiện.
Kẹt xe là nỗi khổ kéo dài
Trả lời câu hỏi của VnExpress về giải pháp giải quyết tình trạng kẹt xe sắp tới, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết hiện với tốc độ xây dựng đường như thế này phải 150 năm nữa mới đạt chuẩn quốc tế. "Diện tích cho giao thông hiện chỉ đạt 9%, trong khi chuẩn là 23%. Đây là những chỉ số dài hạn mà TP chưa giải quyết được".
Ông Nhân cũng cho biết tốc độ tăng dân số nhanh cũng gây áp lực cho giao thông. Năm 1975, TP.HCM có hơn ba triệu dân, hiện nay đã gần chín triệu, trung bình cứ năm năm tăng một triệu.
Về giải pháp, ông Nhân cho biết giải pháp ngắn hạn là điều chỉnh giao thông, điều tiết giao thông thông minh, tăng chỗ đỗ xe, tìm bãi xe thông minh. “Kẹt xe là nỗi đau khổ kéo dài nên năm 2019, TP.HCM quyết không cho xây dựng nhà cao tầng ở khu vực không được quy hoạch”, ông Nhân nói.
Trả lời câu hỏi của Đài Truyền hình Việt Nam liên quan đến lý do vì sao chọn năm 2019 là năm phải đột phá về cải cách hành chính, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết năm 2019 phải có đột phá, trong đó có cải cách hành chính với mục tiêu là làm cho bộ máy chính quyền khỏe, phục vụ dân, hiệu quả cho người dân.
Từ đó, ông Nhân cho biết năm 2019 sẽ có đo lường việc cải cách hành chính ở từng phường xã để nhìn thấy được bằng con số. “Người dân mong muốn được trả hồ sơ đúng hạn nên quy trình liên sở ngành phải có đề án đẩy nhanh tiến độ”, ông Nhân nói.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong trả lời báo chí. Ảnh: TÁ LÂM
Tại buổi gặp, liên quan đến công tác điều hành của chính quyền TP, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã thông tin một số kết quả thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Theo ông Phong, hiện TP đã thực hiện chính sách thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức; tăng phí tạm đỗ ô tô dưới lòng đường, tăng phí bảo vệ môi trường…
Hiện tại, 18 quận, huyện triển khai chính sách thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, khuyến khích tinh thần lao động, sáng tạo cho đội ngũ cán bộ, công chức thành phố.
TP cũng đã trình Chính phủ đề án Cơ quan quản lý vốn nhà nước, ban hành đề án đối với 85 đầu việc được Chủ tịch thành phố ủy quyền cho người đứng đầu các sở ngành, quận huyện để giảm áp lực công việc của TP.
Trong năm tới, đề án sắp xếp lại các ban quản lý dự án trên địa bàn TP sẽ được triển khai.