Bí thư Nguyễn Văn Nên: TP.HCM cần chuẩn bị nguồn cán bộ trong các cơ quan tư pháp

(PLO)-  Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu chuẩn bị nguồn cán bộ và kiện toàn đội ngũ nhân sự trong các cơ quan tư pháp, cơ quan tiến hành tố tụng nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TP.HCM vừa chủ trì hội nghị đánh giá tình hình, kết quả công tác Cải cách tư pháp TP.HCM năm 2022 và triển khai Chương trình làm việc năm 2023 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TP.HCM.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TP.HCM chủ trì hội nghị. Ảnh: Web Thành ủy TP.HCM.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TP.HCM chủ trì hội nghị. Ảnh: Web Thành ủy TP.HCM.

Tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Nội Chính Thành ủy TP.HCM Lê Kim Hiếu, Ủy viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TP đã báo cáo tóm tắt kết quả công tác cải cách tư pháp năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.

Năm 2022, Ban Chỉ đạo đã thực hiện hiệu quả chương trình làm việc đề ra; kịp thời tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo trên lĩnh vực cải cách tư pháp, nghiêm túc, có chất lượng các hội nghị tổng kết, sơ kết và triển khai nhiệm vụ công tác năm.

Các cơ quan tố tụng cơ bản thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chính trị gắn với tinh thần cải cách tư pháp. Nâng cao chất lượng hoạt động tố tụng, đảm bảo việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm, không để xảy ra oan sai, hạn chế đến mức thấp nhất án bị trả hồ sơ điều tra bổ sung; án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo đã tập trung thực hiện việc rà soát giải quyết án còn tồn đọng, tạm đình chỉ; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa trụ sở làm việc, trại tạm giam, nhà tạm giữ, kho vật chứng, mua sắm trang thiết bị làm việc, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cải cách tư pháp.

Ban Chỉ đạo cũng nhìn nhận vẫn còn một số mặt hạn chế như tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố trong năm 2022 mới đạt 84,62%; tỷ lệ giải quyết, xét xử án dân sự, hành chính vẫn còn thấp so với chỉ tiêu được giao.

Công tác thu hồi tài sản nhà nước bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ chưa đạt yêu cầu, nhất là các vụ án thuộc diện theo Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương theo dõi, chỉ đạo.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức; vẫn còn tình trạng tiêu cực, vi phạm của cán bộ, công chức, chấp hành viên trong thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án, nhất là án dân sự.

Kết luận cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng, hệ thống chính trị của TP.HCM tiếp tục nâng cao nhận thức, yêu cầu về đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt thực hiện các chủ trương có liên quan về lĩnh vực công tác tư pháp.

Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp TP.HCM đã duy trì đúng quy chế, ngày càng nền nếp, hiệu quả; công tác tham mưu kịp thời hơn, cụ thể hơn, có hiệu quả hơn.

Thời gian tới, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên lưu ý Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp cần tiếp tục tham mưu, đôn đốc, phối hợp tổ chức thực hiện tốt hơn giữa các cơ quan tư pháp, cơ quan tiến hành tố tụng.

Cạnh đó, cần tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, chuẩn bị nguồn cán bộ và kiện toàn đội ngũ nhân sự trong các cơ quan tư pháp, cơ quan tiến hành tố tụng nhằm đáp ứng nhiệm vụ; chú trọng công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao đạo đức công vụ, chính trị tư tưởng, trình độ chuyên môn… xây dựng đội ngũ có trình độ, thích ứng, sáng tạo.

Ông nhấn mạnh phải chú trọng đầu tư nguồn nhân lực, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, cơ sở vật chất… để đảm bảo hoạt động, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp, cơ quan tiến hành tố tụng.

Song song đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường chuyển đổi số, số hóa hồ sơ… Theo Bí thư Nên, từng cán bộ trong ngành tư pháp phải chuyển đổi tâm thế, phong cách làm việc để tạo thêm nhiều giá trị cho công việc; khuyến khích cán bộ sử dụng công nghệ, phát huy thế mạnh của công nghệ vào trong công việc.

Bên cạnh đó, tăng cường đổi mới, sáng tạo trong thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm