Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên: Phát triển Gia Lai theo hướng sinh thái, kinh tế xanh

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên: Phát triển Gia Lai theo hướng sinh thái, kinh tế xanh

(PLO)- Tỉnh Gia Lai tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ.

Năm 2023, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, song được sự quan tâm cùng sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, của người dân trên địa bàn cũng như của cộng đồng doanh nghiệp, Gia Lai đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Đáng chú ý có 17/24 chỉ tiêu đạt và vượt nghị quyết đề ra.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hồ Văn Niên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, đã chia sẻ những chủ trương, quyết sách nhằm đưa tỉnh này phát triển nhanh, mạnh, bền vững trong năm 2024; đồng thời đưa ra nhiều giải pháp mạnh tay để khắc phục những tồn tại.

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên: Phát triển Gia Lai theo hướng sinh thái, kinh tế xanh
Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên. Ảnh: HP

Xây dựng Gia Lai thành cao nguyên sinh thái

. Phóng viên: Thưa ông, Gia Lai đã có những chủ trương, quyết sách gì để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh thành cao nguyên sinh thái theo quy hoạch vừa được Thủ tướng phê duyệt?

+ Ông Hồ Văn Niên: Tỉnh Gia Lai có nhiều thuận lợi về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các tỉnh Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và với các nước trong khu vực, đặc biệt là hai nước láng giềng Lào, Campuchia.

Tuy nhiên, Gia Lai vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần phải vượt qua, như tác động của biến đổi khí hậu; các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển đột phá của tỉnh chưa thực sự được phát huy; kết nối hạ tầng giao thông chưa thực sự thuận lợi; trình độ nhân lực còn hạn chế…

Để đạt được các mục tiêu đề ra, đặc biệt là phấn đấu đến năm 2050, Gia Lai sẽ là cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe, chúng tôi sẽ tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Về cơ chế, chính sách, Gia Lai sẽ thúc đẩy cơ chế, đẩy mạnh hình thành các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Về nhân lực, chúng tôi sẽ xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Liên quan đến hạ tầng, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng tại các vùng động lực, cùng đó tập trung phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, hạ tầng phục vụ cho khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng thông tin viễn thông. Trong đó trọng điểm là cao tốc Pleiku - Quy Nhơn; nâng cấp Cảng hàng không Pleiku; phát triển hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, logistics; thúc đẩy chuyển đổi số.

Tỉnh còn quan tâm phát triển trục hành lang kinh tế dọc theo các quốc lộ 14, 19 và 25. Đáng chú ý TP Pleiku sẽ mở rộng không gian hành chính, đảm nhận nhiều chức năng mới của quốc gia, của vùng Tây Nguyên và tỉnh Gia Lai.

Ngoài ra, chúng tôi sẽ xây dựng môi trường trên cơ sở mạng lưới sinh thái và hình thành các cụm liên kết ngành dựa trên sinh thái; phát triển lâm nghiệp bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỉ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu.

toan-canh-tinh-gia-lai.jpg
Toàn cảnh tỉnh Gia Lai nhìn từ trên cao. Ảnh: QT

Tạo quỹ đất sạch, thu hút đầu tư

. Năm qua tỉnh có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, chỉ số cạnh tranh và chuyển đổi số thuộc nhóm thấp nhất cả nước, vậy Gia Lai đã có giải pháp gì để khắc phục những tồn tại này?

+ Nhận thức rõ các hạn chế trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như chuyển đổi số, năm 2024 chúng tôi sẽ chú trọng triển khai ba giải pháp chính để khắc phục.

Về giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh sẽ đôn đốc để sớm hoàn thành các thủ tục giao vốn theo kế hoạch; giải quyết các khó khăn, tồn tại, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Đặc biệt là các dự án quan trọng, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm, dự án sử dụng vốn ODA có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, chú trọng nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu.

Về cải thiện môi trường kinh doanh, chúng tôi sẽ chủ động rà soát văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất xử lý các quy định mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp. Cùng với đó, rà soát, đánh giá quỹ đất trên địa bàn tỉnh, nhất là quỹ đất sạch để thu hút, kêu gọi đầu tư. Đơn giản hóa, rút ngắn thời gian, thủ tục hành chính không cần thiết, phấn đấu giảm thời gian 30%-70% so với thời điểm hiện tại.

Mặt khác, tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các thủ tục hành chính nhằm giảm thiểu các chi phí không chính thức, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp và người dân.

Giải pháp thứ ba là tập trung triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng chính quyền điện tử tiến tới xây dựng chính quyền số. Trong đó, tập trung nâng cấp trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh để đáp ứng yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật phục vụ chuyển đổi số; triển khai các hệ thống thông tin, ứng dụng, dịch vụ đô thị thông minh.

bi-thu-gia-lai-ho-van-nien-1.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên (thứ hai, bên trái) đi kiểm tra, khảo sát các công trình trọng điểm ở huyện Chư Păh. Ảnh: NGUYỄN ĐÔNG

Khắc phục né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm

. Ông từng nhấn mạnh sẽ kiên quyết khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, an phận, không dám tham mưu… của một số cán bộ, đảng viên. Tỉnh có biện pháp khắc phục, xử lý tình trạng này như thế nào?

+ Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Gia Lai cơ bản đều chấp hành nghiêm các nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị, các quy định của pháp luật về thi hành công vụ. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay chưa có trường hợp cán bộ, viên chức nào bị xử lý do né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Dù vậy vẫn có những trường hợp có biểu hiện phiền hà, sách nhiễu trong thực thi công vụ, chậm thực hiện nhiệm vụ được giao, làm ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ cũng như công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành chung.

Để khắc phục, Gia Lai đã tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là kiểm tra đột xuất nhằm nâng cao ý thức chấp hành của cán bộ, công chức, viên chức.

Trên tinh thần không để xảy ra việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, bảo đảm các công việc thuộc thẩm quyền được xử lý nhanh chóng, kịp thời, chúng tôi đã cụ thể, cá thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng khâu. Từ đó, kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển công việc khác với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao.

Với những cơ quan, tập thể, cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ, chủ động vì công việc chung, chúng tôi luôn có hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời. Ngược lại, với những hành vi gây phiền hà, sách nhiễu, tham nhũng, tiêu cực sẽ bị xử lý nghiêm.

. Xin trân trọng cảm ơn ông.

Kiến nghị đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Pleiku - Quy Nhơn

Thời gian qua, chúng tôi đã có nhiều đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương trong việc sớm ban hành các cơ chế, chính sách riêng, đặc thù giúp tỉnh Gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn. Đồng thời tạo đột phá giúp tỉnh phát huy được tiềm năng lợi thế về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh.

Để tăng cường kết nối, tỉnh đã đề xuất đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Pleiku - Quy Nhơn và phấn đấu hoàn thành trước năm 2030.

Có cơ chế, chính sách đặc thù cho Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, trọng tâm là các cơ chế ưu đãi thuế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố cơ sở hạ tầng, phù hợp với định hướng quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu quốc tế.

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai HỒ VĂN NIÊN

Đọc thêm