Bí thư TP.HCM: Lo khi chỉ số tăng trưởng kinh tế giảm
Sáng 16-4, Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM lần thứ 40 khóa X đã họp trực tuyến về công tác quý I và phương hướng nhiệm vụ quý II-2020.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trung tâm Báo chí TP.HCM
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định ảnh hưởng đầu tiên của dịch COVID-19 đến TP.HCM là ngành dịch vụ giảm rất mạnh, ăn uống giảm gần 32%, doanh thu ngành giáo dục giảm 26% trong quý I.
Giá trị giao dịch của ngành bất động sản cũng giảm gần 13% do nhu cầu giảm, kéo theo cung giảm nên GRDP của TP.HCM trong quý cũng giảm.
Theo ông Nhân, về lâu dài muốn tăng thì phải tăng cầu. Phải có người cần đến hàng hóa dịch vụ, trước hết là nhu cầu tiêu dùng của hơn 10 triệu dân TP.HCM.
“Rất lo, nhìn số tăng trưởng kinh tế của quý I chỉ đạt 0,42% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng hơn 7%). Lý do bên trong là cầu giảm từ đó cung cũng giảm theo. Cho nên tăng trưởng trở lại, là cầu tăng thì cung cũng tăng theo, về mặt kinh tế là vậy” - ông Nhân nói.
Còn trong lĩnh vực sản xuất, các mặt hàng gắn với nước ngoài xuất khẩu về công nghiệp vẫn còn duy trì được. Xuất khẩu tăng 7,5% so với cùng kỳ, tập trung hàng điện tử, máy tính. Như vậy xuất khẩu còn tăng khá, thậm chí là tăng hơn so với cùng kỳ, với giá trị hơn 9,85 tỉ UDS trong quý I.
Trong bốn ngành công nghiệp chủ lực của TP.HCM, điện tử hóa chất tăng (điện tử tăng 11%, hóa chất tăng 8%) nhưng ngành công nghiệp dệt may và cơ khí lại giảm. Từ đó cho thấy sản xuất khó khăn nhưng vẫn còn đang sản xuất và sắp tới vẫn có cơ hội tăng dần trở lại.
“Nhưng khi không có người đến mua hàng hóa, dịch vụ gặp khó khăn, xuất khẩu nhiều mặt hàng như dệt may gặp khó khăn thì số doanh nghiệp ngưng sẽ tăng” - ông Nhân đặt vấn đề và cho biết số doanh nghiệp giải thể trong quý I tăng hơn 50% cùng kỳ, số tạm ngưng cũng tăng gần 52%, đây là hệ quả tất yếu khi không có khách hàng tiêu dùng.
Tuy nhiên, người đứng đầu Thành ủy TP.HCM vẫn có cái nhìn lạc quan về phía trước khi ông cho biết kết quả phòng, chống dịch của cả nước và TP.HCM ngày càng tốt hơn, theo đó điều kiện phục hồi sản xuất, thương mại sẽ từng bước tốt hơn.
Về lĩnh vực an ninh - quốc phòng, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết trong quý I, an ninh - quốc phòng được giữ vững nhưng trong bối cảnh thu nhập giảm, mọi người giảm đi lại thì nguy cơ tội phạm cao hơn.
Trong quý I tội phạm hình sự tăng 10% so với cùng kỳ, theo ông Nhân đó là vấn đề phải suy nghĩ. Sắp tới TP phải tiếp tục củng cố an sinh, an dân, tiếp tục phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm.
Theo ông Nhân, nhiệm vụ trọng tâm của TP.HCM là tổ chức phòng, chống dịch tốt, từ đó làm tiền đề để duy trì sản xuất kinh doanh ở mức độ nhất định, chuẩn bị chuyển sang giai đoạn mới là không để xảy ra dịch dù vẫn còn người nhiễm, ở trạng thái sống chung với người nhiễm nhưng không có dịch và có thể kiểm soát được.
Toàn cảnh Hội nghị Thành ủy lần thứ 40. Ảnh: Trung tâm Báo chí TP.HCM
Về nhiệm vụ trọng tâm trong quý II, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nhiệm vụ hàng đầu lúc này là phải cùng cả nước, vì cả nước phòng, chống dịch thật tốt. Bởi vì chống dịch tốt là tiền đề để làm mọi việc khác.
“Chúng ta hoàn toàn có thể làm tốt với kết quả đã làm được, với bài học và mô hình thời gian qua” - ông Nhân nói và cho rằng cần tiếp tục phòng ngừa dịch bằng các giải pháp lớn mà thời gian qua TP đã và đang triển khai.
Các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 đang được TP triển khai
Một là kiểm soát người vào TP.HCM chặt chẽ, với trường hợp người có nguy cơ thì phải cách ly kịp thời. Ông Nhân chỉ đạo ngành y tế cần có kế hoạch triển khai việc này trong thời gian tiếp theo với các phương án: Trong tình huống nào thì kiểm soát 100%, tình huống nào thì theo tỉ lệ khác.
Theo thống kê của TP thì bình quân một người nhiễm phải cách ly khoảng 280 người. Theo ông Nhân, đây là giải pháp rất đặc thù của Việt Nam, cách ly F1, F2 thậm chí F3 làm cho sự lây lan rất khó.
Giải pháp lớn thứ hai là mỗi người phải đeo khẩu trang, rửa tay rất quan trọng. Lý giải về vấn đề này, ông Nhân cho rằng châu Âu và cả Mỹ một thời gian không đeo nhưng sau đó họ phải dùng khẩu trang. “Việc này chúng ta đã làm đúng, phải tiếp tục” - ông Nhân nói.
Giải pháp lớn thứ ba là từng doanh nghiệp, từng ngành nghề, cơ quan phải xây dựng quy tắc ứng xử an toàn dịch cho đơn vị, ngành mình. Trên cơ sở đó, ông Nhân hoàn toàn tin tưởng rằng có thể duy trì được số người nhiễm thấp, còn về số 0 có lẽ còn khó khi chưa có vaccine.
Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cho rằng còn phải làm rất nhiều việc để phòng, chống dịch nhằm từng bước khôi phục sản xuất kinh doanh và các hoạt động xã hội, dự kiến 15-5 sẽ cho học sinh đi học trở lại.
Để làm được điều đó, TP cần xây dựng bộ chỉ số an toàn trường học trong dịch COVID-19. Đối với các lĩnh vực kinh doanh, giao thông, sản xuất cũng cần xây dựng bộ chỉ số đó.