Sáng 10-2, tại tư gia của Đại tá Bùi Văn Tùng, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê cùng đoàn đại biểu lãnh đạo TP.HCM đã đến viếng và gửi lời chia buồn sâu sắc cùng gia quyến. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Đại tá Bùi Văn Tùng, nguyên Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 - Quân đoàn 2, đã qua đời vào lúc 3 giờ 10 ngày 9-2, hưởng thọ 94 tuổi. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Bí thư Nguyễn Văn Nên thắp hương cho Đại tá Bùi Văn Tùng. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Đến viếng và ghi sổ tang, Bí thư Nguyễn Văn Nên viết: “Đại tá Bùi Văn Tùng, một người chiến sĩ trung với Đảng, hiếu với dân. Một cán bộ quân đội tài năng, đức độ, mẫu mực, khiêm nhường, luôn chí tình, chí nghĩa với đồng chí, đồng đội và mọi người, được mọi người yêu mến... Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Một trong nhiều cán bộ, chiến sĩ có mặt tại Dinh Độc lập trong thời khắc lịch sử, là người soạn thảo và hoàn chỉnh lời tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Tổng thống VNCH Dương Văn Minh trưa ngày 30-4-1975. Một chiến công và vinh dự lớn của QĐND Việt Nam anh hùng và cá nhân đồng chí.Xin vĩnh biệt Đại tá Bùi Văn Tùng - một khí phách anh hùng. Cầu nguyện đồng chí an nhiên nơi cõi vĩnh hằng”. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đến viếng Đại tá Bùi Văn Tùng. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê thắp hương cho Đại tá Bùi Văn Tùng. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Trước đó, ngay từ sớm đã có rất đông các chiến sĩ, cán bộ quân đội, đại diện các cơ quan ban ngành, người dân đến viếng, gửi vòng hoa chia buồn cùng gia đình Đại tá Bùi Văn Tùng. Khi nhắc về người chiến sĩ cách mạng chân chất, thật thà ấy, nhiều người không cầm được nước mắt. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
NSƯT, đạo diễn Phạm Việt Tùng, người đã làm bộ phim tư liệu “Chuyện thật 30-4-1975” chia sẻ, mặc cho lời can ngăn của gia đình vì tuổi già sức yếu, ngay khi vừa nghe tin Đại tá Tùng qua đời, ông đã đặt chuyến tàu hỏa ngay trong đêm từ đi TP Nha Trang vào TP.HCM để gặp người bạn già lần cuối.“Tôi cảm phục đồng chí Bùi Văn Tùng vì những gì mà anh đã cống hiến, đã làm cho Tổ quốc. Đất nước, quân đội, nhân dân mãi ghi nhớ công lao của anh” - NSƯT Phạm Việt Tùng bày tỏ. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Ghi sổ tang, Huyền thoại tình báo, Đại tá Tư Cang viết: "Tôi Nguyễn Văn Tàu, bí danh Tư Cang xin vĩnh biệt đồng chí Bùi Tùng, nguyên Chính uỷ Lữ đoàn 203 xe tăng, đơn vị đi đầu trong ngày vào giải phóng Sài Gòn (ngày 30-4-1975) - là đơn vị đi đầu vào bắt sống Tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các của chế độ Việt Nam Cộng hoà, bắt buộc Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng quân giải phóng.Sau này tôi càng khâm phục đức độ khiêm tốn của anh, được đồng đội và mọi người yêu mến, thế là rất tốt đối với một người lính Cụ Hồ". Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Gia quyến Đại tá Bùi Văn Tùng cũng đón nhận nhiều tình cảm từ những người đồng đội của anh. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
Đại tá Bùi Văn Tùng sinh ngày 4-2-1930 tại TP Đà Nẵng. Tháng 4-1975, ông mang cấp bậc trung tá, là chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 - Quân đoàn 2 và đã trực tiếp chứng kiến những diễn biến trong ngày lịch sử 30-4-1975 tại dinh Độc Lập và Đài Phát thanh Sài Gòn.
Tháng 3-2022, Thường vụ Quân ủy Trung ương có Kết luận 974-KL/QUTW, nêu rõ: Thời điểm trưa 30-4-1975, sau khi trực tiếp chỉ huy việc áp giải Dương Văn Minh đến Đài Phát thanh Sài Gòn, tại đây Đại úy Phạm Xuân Thệ, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66, cùng các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tổ chức soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh.
Văn bản đang được soạn thảo thì Trung tá Bùi Văn Tùng, Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 - Quân đoàn 2, có mặt và từ đó cùng bộ phận cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 tiếp tục soạn thảo, hoàn chỉnh lời tuyên bố đầu hàng cho ông Dương Văn Minh đọc vào máy ghi âm để phát trên đài phát thanh.
Riêng lời tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh do ông Tùng soạn thảo và trực tiếp đọc trên đài phát thanh.
Đại tá Bùi Văn Tùng vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, Huân chương Quân công hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất.