Những câu chuyện chưa kể về Đại tá Bùi Văn Tùng

(PLO)- Đại tá Bùi Văn Tùng (nguyên Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 - Quân đoàn 2) đã qua đời vào sáng 9-2, kết thúc cuộc đời binh nghiệp lừng lẫy.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 9-2, gia đình Đại tá Bùi Văn Tùng (nguyên Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 - Quân đoàn 2) cho biết ông đã qua đời tại nhà riêng vào lúc 3 giờ 10 cùng ngày, hưởng thọ 94 tuổi.

Cống hiến cả đời cho cách mạng

Sau lễ nhập quan của Đại tá Tùng, căn nhà 162 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM) chìm trong màu ảm đạm.

Tháng 6-2022,Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản gửi Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và đạo diễn Phạm Việt Tùng (đồng đạo diễn phim tài liệu lịch sử Chuyện thật trưa 30-4-1975) thay trả lời kiến nghị của ông. Theo đó, Chủ tịch nước có ý kiến: Chuyển thư và toàn bộ tài liệu của ông Phạm Việt Tùng đến Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam để nghiên cứu, xem xét cụ thể.

Đồng thời, Chủ tịch nước chỉ đạo Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét việc phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đại tá Bùi Văn Tùng.

Bà Bùi Quỳnh Hoa, con gái lớn của Đại tá Bùi Văn Tùng, cho biết cha bà đã nhiều năm đấu tranh với bệnh tật. Từ năm 2005, ông không đi lại được nữa mà chỉ nằm và di chuyển bằng xe lăn là chủ yếu.

Nhắc về cuộc đời của Đại tá Bùi Văn Tùng, bà Hoa rơm rớm nước mắt: “Thường ngày khi còn minh mẫn, cha tôi hay kể cho con cháu nghe về cuộc đời của ông, về những trận đánh ông từng tham gia và kể về những đồng đội từng cùng ông vào sinh ra tử.

Tôi từng nghe ông kể về những ngày đầu ông tham gia cách mạng, tham gia chống Pháp... Bản thân tôi, em tôi và các cháu rất tự hào về ông”.

Bà Hoa kể cha mình sinh ra và lớn lên tại TP Đà Nẵng trong gia đình công nhân. Là con trai cả, ông được cho đi học trường Tây và nói tiếng Pháp rất giỏi. Đến năm 14 tuổi, ông được nhận làm thông ngôn, thư ký cho một hãng thuốc lá của Pháp. Khi ấy, mỗi ngày ông chủ hãng thuốc hay phát cho công nhân hai điếu thuốc mang về, ông cũng có nhưng thay vì để dành hút như nhiều người khác, ông cất lại và mang đi bán để kiếm tiền đi học.

Đến tháng 8-1945, cơ duyên đã giúp Đại tá Bùi Văn Tùng gặp gỡ một cán bộ cách mạng, được giác ngộ tư tưởng và giới thiệu trở thành thành viên Hội Công nhân cứu quốc, tự vệ TP Đà Nẵng khi ấy.

Theo bà Bùi Quỳnh Hoa, Đại tá Bùi Văn Tùng là một người rất kín đáo, đơn giản, thích viết và có tính văn nghệ như các nhà văn, nhà báo. Sau khi về hưu, có thời gian rảnh rỗi ông lại viết bài về những người chiến sĩ, những đồng đội đã từng cùng ông chiến đấu.

Đại tá Bùi Văn Tùng (mặc quân phục) cùng nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (thứ hai từ trái sang) khi này còn là bí thư Thành ủy TP.HCM trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh do gia đình cung cấp)
Đại tá Bùi Văn Tùng (mặc quân phục) cùng nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (thứ hai từ trái sang) khi này còn là bí thư Thành ủy TP.HCM trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh do gia đình cung cấp)

Đó là câu chuyện về ông Ngô Văn Nhỡ, người đã hy sinh tại cửa ngõ Sài Gòn, hay những câu chuyện kể về cuộc sống lúc về hưu của những người cùng cấp với ông, họ sống đạm bạc, không tham công danh, so bì với đời.

“Ông rất thương và cảm phục những người đồng đội của mình. Họ là những người lính khi cất súng đi, họ lại vác cuốc ra đồng để làm nông. Có lẽ ông viết vì muốn câu chuyện về những người đồng đội của mình được nhiều người biết đến hơn nhưng chưa kịp làm điều ấy” - bà Hoa tâm sự.

Có mặt từ sớm tại tang lễ của Đại tá Bùi Văn Tùng, Trung tá Vũ Việt Hùng (Phó Chủ nhiệm Chính trị Trường Hạ sĩ quan xe tăng 1) đã bày tỏ lòng tiếc thương đối với một người anh hùng áo lính cống hiến cả cuộc đời mình cho cách mạng.

“Khi tôi đi lính thì cụ đã về hưu nhiều năm nhưng mỗi dịp lễ, tết tôi hay đến thăm cụ. Đại tá Tùng là người phúc hậu, liêm khiết, tận tâm, bản thân là một người lính, tôi rất cảm phục với những gì cụ đã làm cho đất nước” - Trung tá Vũ Việt Hùng chia sẻ.

“Tôi tự hào đi bên Chính ủy Bùi Văn Tùng”

“Đại tá Bùi Văn Tùng, người tiến vào dinh Độc Lập sáng 30-4 năm xưa, đã về đất mẹ. Với tôi, là người liên lạc của Chính ủy Tùng, năm 1975 mãi mãi là một ký ức không bao giờ quên ở thời khắc lịch sử của dân tộc” - ông Nguyễn Văn Phúc (ngụ xã Mỹ Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa), người liên lạc của Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng năm 1975, chia sẻ sau khi nghe tin ông đã ra đi mãi mãi.

“Khi nghe tin Đại tá Tùng ra đi, bản thân tôi thật sự đau xót khi mất đi một chính ủy cương trực, nghiêm khắc, quyết đoán, quả cảm và là một người anh, người chú tình cảm, điềm tĩnh trước mọi khó khăn năm nào” - ông Phúc bày tỏ.

Chính ủy Bùi Văn Tùng (ngồi) và ông Nguyễn Văn Phúc (đứng giữa) cùng hai đồng đội gặp lại nhau vào năm 2020. Ảnh: NVCC
Chính ủy Bùi Văn Tùng (ngồi) và ông Nguyễn Văn Phúc (đứng giữa) cùng hai đồng đội gặp lại nhau vào năm 2020. Ảnh: NVCC

Với ông Phúc, bốn năm gắn bó với Chính ủy Bùi Văn Tùng từ tháng 3-1972 ở Quảng Trị là bốn năm trải qua vô số trận đánh “thập tử nhất sinh” để tiến thẳng vào dinh Độc Lập vào trưa 30-4-1975. Đó là những năm tháng ông tự hào đi bên Đại tá Bùi Văn Tùng và cùng có mặt trong thời khắc lịch sử khi Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

“Tôi nhớ sáng 30-4 ấy, trên đường tiến vào dinh Độc Lập, đến Thủ Đức thì dừng lại khi người dân đi hai bên đường chạy ngược chạy xuôi. Lúc đó tôi có hỏi Chính ủy Tùng lùi hay tiến, Chính ủy quyết đoán: “Anh nào ở vị trí nào thì lo vị trí đó nhưng nhất định không được làm người dân bị thương.

Đối với những tù binh khi đã buông súng thì không được bắn và không được đánh khi họ đã đầu hàng. Không được lấy bất cứ đồ đạc, tài sản của người dân để lại dù là nhỏ nhất””.

48 năm rồi nhưng ký ức về Chính ủy Tùng khi đó trong ông Phúc là người rất quyết đoán, mạnh mẽ ở thời khắc lịch sử ấy trước khi ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.

“Đại tá Bùi Văn Tùng đã mãi mãi ra đi, để lại cho cựu chiến binh Lữ đoàn 203 chúng tôi niềm tiếc thương vô hạn. Và với bản thân tôi, tôi mong muốn Nhà nước sớm phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đại tá Bùi Văn Tùng bởi những cống hiến của ông cho quân đội và cho Tổ quốc” - ông Nguyễn Văn Phúc nói.

Đại tá Bùi Văn Tùng sinh ngày 4-2-1930 tại TP Đà Nẵng. Tháng 4-1975, ông mang cấp bậc trung tá, là chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 - Quân đoàn 2 và đã trực tiếp chứng kiến những diễn biến trong ngày lịch sử 30-4-1975 tại dinh Độc Lập và Đài Phát thanh Sài Gòn.

Tháng 3-2022, Thường vụ Quân ủy Trung ương có Kết luận số 974-KL/QUTW, nêu rõ: Thời điểm trưa 30-4-1975, sau khi trực tiếp chỉ huy việc áp giải Dương Văn Minh đến Đài Phát thanh Sài Gòn, tại đây Đại úy Phạm Xuân Thệ (Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66) cùng các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tổ chức soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh.

Văn bản đang được soạn thảo thì Trung tá Bùi Văn Tùng (Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 - Quân đoàn 2) có mặt và từ đó cùng bộ phận cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 tiếp tục soạn thảo, hoàn chỉnh lời tuyên bố đầu hàng cho ông Dương Văn Minh đọc vào máy ghi âm để phát trên đài phát thanh.

Riêng lời tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh do ông Tùng soạn thảo và trực tiếp đọc trên đài phát thanh.

Đại tá Bùi Văn Tùng vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, Huân chương Quân công hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất.

Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng (bên trái) cùng nhà báo Borries Gallasch (Đức) tại sân dinh Độc Lập, Sài Gòn vào trưa 30-4-1975. Ảnh: Tư liệu
Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng (bên trái) cùng nhà báo Borries Gallasch (Đức) tại sân dinh Độc Lập, Sài Gòn vào trưa 30-4-1975. Ảnh: Tư liệu

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm