Bí thư, trưởng thôn hiến hàng ngàn m2 đất

(PLO)- Nhờ việc hiến đất làm nhà văn hóa, làm đường, hướng dẫn tăng gia sản xuất… của Trưởng bản Hồ Hơn và Bí thư chi bộ Hồ Đình, cuộc sống của người đồng bào Bru-Vân Kiều ở hai bản làng ngày càng khởi sắc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nơi sinh sống của bà con đồng bào Bru-Vân Kiều ở bản Trung Đoàn, hay còn gọi là bản Làng Ho, thuộc xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy và bản Lâm Ninh, thuộc xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình hiện có nhiều thay đổi tích cực.

Bí thư chi bộ đặc biệt

Tại bản Trung Đoàn, xã Kim Thủy, chúng tôi tận mắt chứng kiến hệ thống đường sá, trường học, nhà văn hóa, các công trình phúc lợi xã hội nay đã đầy đủ, khang trang hơn.

Bí thư Chi bộ Hồ Đình là người rất có uy tín đối với bà con đồng bào tại bản Trung Đoàn, xã Kim Thuỷ. Ảnh: BẢO THIÊN

Bí thư Chi bộ Hồ Đình là người rất có uy tín đối với bà con đồng bào tại bản Trung Đoàn, xã Kim Thuỷ. Ảnh: BẢO THIÊN

Theo ông Hoàng Văn Lình, Chủ tịch UBND xã Kim Thủy, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước và nhà hảo tâm, bản Trung Đoàn phát triển như hôm nay còn có sự góp sức thầm lặng của người dân bản, trong đó nổi bật nhất là ông Hồ Đình, Bí thư chi bộ bản Trung Đoàn.

Ông Hồ Đình bên công trình Nhà văn hoá Làng Ho. Ảnh: BẢO THIÊN

Ông Hồ Đình bên công trình Nhà văn hoá Làng Ho. Ảnh: BẢO THIÊN

Ông Lình kể lại vào đầu những năm 2000, bản Trung Đoàn may mắn được các đoàn thiện nguyện về xây dựng 37 căn nhà cho các hộ gia đình khó khăn, một trạm quân dân y, một nhà văn hóa. “Thời điểm đó, cuộc sống bà con rất khó khăn nên khi được hỗ trợ xây nhà, ai nấy cũng phấn khởi. Tuy nhiên, sau khi khảo sát, quy hoạch thì khu vực thích hợp để xây dựng nhà văn hóa lại không có” - ông Lình cho biết.

Khi nghe các công trình đã được bố trí kinh phí nhưng chưa khởi công được vì vướng đất, không chần chừ, ông Hồ Đình đã hiến gần 200 m2 đất để xây dựng “Nhà văn hóa - Di tích lịch sử Làng Ho”.

“Từ ngày có nhà văn hóa, bà con không còn phải loay hoay bàn nhau tìm nơi họp hành, sinh hoạt nữa. Suy nghĩ và sự hiểu biết về pháp luật của bà con cũng được nâng cao hơn trước, nhất là những dịp được chính quyền, lực lượng biên phòng về tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật” - ông Hồ Nữ (sinh năm 1967, trú bản Trung Đoàn) nói.

Ông Hồ Đình chia sẻ ngắn gọn về việc hiến đất của mình: “Đóng góp được gì cho bà con vui là mình vui rồi”.

Đường sá vào bản Trung Đoàn nay đều bê tông hoá nối với đường nhựa của Quốc lộ 9. Ảnh: BẢO THIÊN

Đường sá vào bản Trung Đoàn nay đều bê tông hoá nối với đường nhựa của Quốc lộ 9. Ảnh: BẢO THIÊN

5 lần hiến 2.500 m2 đất

Ghé thăm bản Lâm Ninh, chúng tôi tiếp tục gặp một trưởng bản vô cùng đặc biệt, ông Hồ Hơn, một người lính cụ Hồ trở về quê hương sau những ngày cầm súng đánh giặc. Có thâm niên hơn 30 năm giữ vai trò làm trưởng bản, ông được bà con bên triền núi đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ ví như ngọn đuốc rọi sáng chốn núi rừng thâm u này.

Chân dung ông Hồ Hơn – Trưởng bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh. Ảnh: BẢO THIÊN

Chân dung ông Hồ Hơn – Trưởng bản Lâm Ninh, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh. Ảnh: BẢO THIÊN

Theo ông Hơn, năm 1981, bản Lâm Ninh mới chỉ có bảy hộ dân, kinh tế khó khăn, tư liệu sản xuất lạc hậu. “Ở đây lúc đó cái gì cũng thiếu nhưng được cái có đất màu, trồng được rừng, làm được lúa nước nên tôi động viên bà con tăng gia sản xuất, chăn nuôi vươn lên thoát cảnh đói nghèo” - ông Hồ Hơn nhớ lại.

Trưởng bản Hồ Hơn rạng rỡ cùng người dân bản Lâm Ninh. Ảnh: BẢO THIÊN

Trưởng bản Hồ Hơn rạng rỡ cùng người dân bản Lâm Ninh. Ảnh: BẢO THIÊN

Cái thời mình ít cái chữ nên mới khổ. Nay Nhà nước quan tâm cho dựng trường mới, phân thầy cô về để cháu con mình học hành. Hiến vài miếng đất cũng như để đền đáp ơn nghĩa, cho thế hệ mai này tươi sáng hơn.

Trưởng bản Lâm Ninh HỒ HƠN

Với nỗ lực thay đổi tư duy sản xuất dựa vào khai thác lâm sản bừa bãi bằng việc trồng rừng kinh tế, kết hợp chăn nuôi theo hướng dẫn của ông Hồ Hơn, đến nay cuộc sống của bà con dân bản đã dần ổn định, từng bước phát triển kinh tế hộ gia đình. Đặc biệt, người dân bản Lâm Ninh dần quen với việc làm lúa nước hai vụ, năng suất bình quân hơn 50 tạ/ha (ngang ngửa nhiều xã đồng bằng).

Ông Hồ Hơn đi tuyên truyền, động viên người dân nỗ lực sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: BẢO THIÊN

Ông Hồ Hơn đi tuyên truyền, động viên người dân nỗ lực sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: BẢO THIÊN

Đặc biệt, trong phong trào hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi, phát triển hạ tầng kinh tế, ông Hồ Hơn cũng đi đầu khi bốn lần xung phong hiến hơn 1.000 m2 đất của gia đình để làm đường nông thôn mới, đường tránh lũ. Giữa những năm 2021, ông Hơn tiếp tục hiến thêm 1.500 m2 đất để xây dựng điểm trường bán trú mầm non, tiểu học bản Lâm Ninh.

Ngôi trường được xây trên hơn 1.500 m2 vuông đất do Trưởng bản Hồ Hơn hiến tặng. Ảnh: BẢO THIÊN

Ngôi trường được xây trên hơn 1.500 m2 vuông đất do Trưởng bản Hồ Hơn hiến tặng. Ảnh: BẢO THIÊN

“Không riêng ở Lâm Ninh, Trưởng bản Hồ Hơn là một trong số ít người có uy tín nhất trong lòng bà con cả xã này. Già Hơn đã sống, cống hiến tận lực cho quê hương, bản làng ngày càng đổi mới” - ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, tự hào khi nói về vị trưởng bản của mình.

Vợ chồng ông Hồ Hơn cùng đứa chắt đầu trong căn nhà nhỏ cấp 4 và những tấm giấy khen ghi nhận sự đóng góp của ông. Ảnh: BẢO THIÊN

Vợ chồng ông Hồ Hơn cùng đứa chắt đầu trong căn nhà nhỏ cấp 4 và những tấm giấy khen ghi nhận sự đóng góp của ông. Ảnh: BẢO THIÊN

Vừa mừng vừa lo khi có dự án đầu tư

Là một trong những xã miền núi của huyện Lệ Thủy còn nhiều khó khăn nên mỗi khi chúng tôi nhận được các kế hoạch dự án đầu tư về bản thì vừa mừng vừa lo. Bởi các công trình dù để phục vụ nhân dân phát triển kinh tế nhưng quy hoạch mở rộng đều phải chồng lấn lên đất bà con cả.

Nơi nẻo xa, những đóng góp của ông Hồ Đình, Bí thư chi bộ bản Trung Đoàn, giúp chính quyền xã Kim Thủy nói riêng và huyện Lệ Thủy nói chung thuận lợi hơn nhiều trong công tác dân vận, khảo sát quy hoạch đất đai để xây dựng các công trình phúc lợi như trạm quân dân y, nhà văn hóa…

Ông HOÀNG VĂN LÌNH, Chủ tịch UBND xã Kim Thủy

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm