Chiều 20-4, sau một ngày xét xử, TAND tỉnh Bình Định đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ nguyên trưởng phòng Thanh tra thuế Cục Thuế tỉnh Hồ Minh Khiêm bị VKS tỉnh truy tố về tội nhận hối lộ.
Nhận tiền của doanh nghiệp sau khi thanh tra
Theo cáo trạng, ngày 1-9-2017, Cục Thuế tỉnh Bình Định ban hành quyết định thanh tra thuế tại Công ty CP Xây dựng An Nghĩa (gọi tắt là Công ty An Nghĩa, trụ sở tại TP Quy Nhơn) trong thời gian 30 ngày. Khiêm được phân công làm trưởng đoàn thanh tra.
Tuy nhiên, trong thời gian thanh tra, Khiêm đang học lớp bồi dưỡng tại tỉnh Thừa Thiên-Huế nên ủy quyền bằng miệng cho phó đoàn thanh tra. Sáng 24-9-2017, Khiêm gọi điện thoại hỏi ông Phạm Trọng Ân (thành viên đoàn thanh tra) để nắm các sai phạm mà đoàn thanh tra phát hiện tại Công ty An Nghĩa. Ông Ân cho biết công ty này có sai phạm lớn nhất là không khai thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường.
Chiều cùng ngày, Khiêm cùng một thành viên khác của đoàn thanh tra đến làm việc với đại diện Công ty An Nghĩa. Khiêm liệt kê, chỉ ra các vi phạm lớn về thuế của Công ty An Nghĩa, nói rằng với những vi phạm này thì công ty phải nộp phạt, truy thu thuế tổng cộng gần 1,4 tỉ đồng.
Nghe vậy, ông Đỗ Nguyễn Duy Minh (Phó Giám đốc Công ty An Nghĩa) nhờ Khiêm giúp đỡ, bỏ qua các vi phạm. Khiêm liền yêu cầu những người khác đi ra ngoài để nói chuyện riêng với ông Minh.
Nguyên trưởng phòng Thanh tra thuế Cục Thuế tỉnh Bình Định Hồ Minh Khiêm kêu oan. Ảnh: T.LỘC
Khiêm yêu cầu ông Minh tắt điện thoại, đặt lên bàn làm việc. Sau đó, Khiêm nói nếu phía công ty đưa Khiêm 120-130 triệu đồng, đưa cho cục trưởng Cục Thuế tỉnh 20-30 triệu đồng thì sẽ bỏ qua các sai phạm lớn và chỉ xử lý các lỗi nhẹ với mức phạt 70 triệu đồng. Khi đại diện công ty thương lượng thì Khiêm đồng ý giảm xuống còn 130 triệu đồng, trong đó Khiêm nói phần mình 110 triệu đồng, còn lại sẽ đưa cho cục trưởng Cục Thuế.
Trong các ngày 25 và 28-9-2017, Khiêm liên tục gọi điện thoại, hối thúc ông Minh đưa tiền. Tuy nhiên, ông Minh hẹn với lý do chưa chuẩn bị đủ tiền.
Đến ngày 29-9-2017, cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định ký kết luận thanh tra xử lý vi phạm về thuế đối với Công ty An Nghĩa với số tiền gần 70 triệu đồng. Chiều 1-10-2017, ông Minh gọi điện thoại nói Khiêm đến một quán cà phê để đưa tiền. Tại quán cà phê, ông Minh đưa cho Khiêm hai bì nhựa, một bì đựng 110 triệu đồng, một bì đựng 20 triệu đồng. Khiêm nhận hai bì nhựa trên bỏ vào túi xách thì bị cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bình Định bắt quả tang.
Bị cáo tố bị doanh nghiệp “gài bẫy”
Tại phiên tòa, Khiêm phủ nhận hầu hết các cáo buộc của VKS. Khiêm cho rằng mình không yêu cầu lãnh đạo Công ty An Nghĩa đưa 130 triệu đồng để bỏ qua một số vi phạm.
Khiêm thừa nhận có nhận hai bì nhựa tại quán cà phê chiều 1-10-2017 nhưng lại cho rằng không biết bên trong có tiền mà nghĩ là quà bánh kẹo có giá trị nhỏ. “Tôi cứ nghĩ đơn giản rằng đó là quà bánh kẹo nên bỏ vào túi xách để mang về cho con cháu” - bị cáo liên tục thanh minh và cho rằng Công ty An Nghĩa đã “gài bẫy” mình.
Trong khi đó, đại diện Công ty An Nghĩa khẳng định khi làm việc tại công ty, Khiêm đưa ra hai bản liệt kê các vi phạm rồi đặt điều kiện phải đưa 130 triệu đồng để bỏ qua lỗi vi phạm là hàng sắt thép còn tồn kho.
Khi HĐXX cho đối chất với đại diện Công ty An Nghĩa, Khiêm vẫn phủ nhận hầu hết các tình tiết.
Đại diện VKSND tỉnh Bình Định đề nghị HĐXX phạt bị cáo Khiêm 8-9 năm tù về tội nhận hối lộ. Trong phần tranh luận, đại diện VKS cho rằng dù bị cáo không nhận tội nhưng hành vi nhận hối lộ bị bắt quả tang với đầy đủ vật chứng là đã đủ yếu tố buộc tội. Trong khi đó, Khiêm vẫn liên tục kêu oan.
Sau khi nghị án, HĐXX quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung một số vấn đề chưa được làm rõ. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ án có diễn tiến mới.
Các yêu cầu điều tra bổ sung của tòa Theo HĐXX, CQĐT chưa điều tra các cuộc gọi từ ba số điện thoại của ba máy điện thoại của Khiêm được CQĐT thu giữ để xác định lời khai của ông Minh rằng bị cáo nhiều lần gọi thúc giục đưa tiền là đúng hay không. HĐXX cũng cho rằng việc đối chất giữa bị cáo với ông Minh và những người cùng tham gia làm việc chiều 24-9-2017 tại Công ty An Nghĩa không có mặt của người bào chữa. Tòa thấy rằng sự đối chất này phải có mặt của người bào chữa để đảm bảo khách quan. Ngoài ra, CQĐT cần làm rõ nếu Công ty An Nghĩa có lỗi vi phạm về hàng tồn kho thì theo quy định pháp luật sẽ xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm này bao nhiêu tiền. Tòa cho rằng nội dung này cần thiết để xác định hành vi phạm tội của bị cáo. |