Trên thế giới đang tồn tại song song hai chỉ số đo nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện. Việc sử dụng chỉ số nào hoàn toàn phụ thuộc vào quy định của từng quốc gia. Ngoài ra cũng có quốc gia sử dụng song song cả hai chỉ số.
Chỉ số BAC (Blood alcohol concentration) hay còn gọi là chỉ số nồng độ cồn trong máu, thường được sử dụng trong đo đạc y tế. BAC dựa trên tỉ lệ phần trăm lượng cồn trong máu, ví dụ 0,1% tương đương với 0,1 g cồn trong 0,1 lít máu. Do tính phức tạp trong đo lường, việc thực hiện đo BAC thường diễn ra tại bệnh viện hoặc trạm cảnh sát có thiết bị thích hợp.
Chỉ số BrAC (Breath alcohol content) hay còn gọi là chỉ số nồng độ cồn trong hơi thở. Đối với chỉ số này, mức đo chính xác nhất có thể thu được vào thời điểm 10 phút sau khi sử dụng đồ uống có cồn. Còn nếu đo ở thời điểm trước hoặc sau 10 phút sẽ khiến kết quả trở nên không chính xác. Ưu điểm của chỉ số này nằm ở khả năng dễ dàng đo được trên đường với thiết bị cầm tay gọn nhẹ.
Quy định chặt chẽ về nồng độ cồn
Mỗi quốc gia có quy định khác nhau về mức độ cồn cho phép và mức xử phạt.
Tại Trung Quốc: Chỉ số BAC đo được ở mức trên 0,02% và dưới 0,08%, người lái xe sẽ bị phạt 1.000-2.000 NDT (tương đương 3,3-6,6 triệu đồng) cùng với sáu tháng treo bằng lái. Nếu BAC trên 0,08%, người lái sẽ bị phạt tới ba năm tù giam cộng với việc bị treo bằng lái vĩnh viễn.
Tại Đài Loan: Trên 0,05% BAC hoặc 0,15 mg/l BrAC và dưới 0,11% BAC sẽ khiến người lái bị phạt 15.000-90.000 TWD, treo bằng lái trong một năm. BAC ở mức cao hơn 0,11%, phạt tù hai năm cho tội danh gây nguy hiểm cho cộng đồng. Trong trường hợp lái xe gây tai nạn dưới ảnh hưởng của cồn, mức phạt cao nhất cho người vi phạm là tử hình.
Tại Ấn Độ: Mức BAC tối đa cho phép nằm dưới 0,03%, cao hơn 0,03% sẽ khiến người lái bị phạt tới sáu tháng tù giam cộng với khoản phạt 2.000 rupees (tương đương 630.000 đồng). Trong vòng ba năm, nếu người lái tiếp tục vi phạm sẽ bị phạt tù tới hai năm cộng khoản tiền 3.000 rupees (khoảng 950.000 đồng).
Tại Canada: BAC với mức đo cao hơn 80 mg/100 ml máu cộng với việc chống đối lệnh thi hành công vụ sẽ khiến người lái bị khép vào tội hình sự với mức án xét xử tùy trường hợp, cộng với khoản phạt tối thiểu là 50 CAD (khoảng 900.000 đồng).
Tại Mỹ: Theo quy định chung của toàn liên bang, mức độ cồn cho phép khi tham gia giao thông là BAC ở mức dưới 0,08%. Mức độ xử phạt sẽ tùy thuộc vào luật pháp các bang quy định.
Gây tai nạn khi lái xe trong tình trạng có nồng độ cồn vượt quá quy định có thể bị mức án tù chung thân. Ảnh: GETTY
Ở Mỹ, sau khi vi phạm về nồng độ, bạn bị buộc trang bị một máy đo nồng độ cồn để tự kiểm tra trước khi lái xe. Ảnh: IndiaMart
Từng có án tử hình
Vào năm 2009, tòa án ở Trung Quốc đã tuyên phạt một bị cáo tội tử hình trong một vụ lái xe gây tai nạn chết người. Trước đó, phiên tòa sơ thẩm chỉ đề nghị mức phạt tù chung thân, China Daily đưa tin.
Bị cáo là Sun Weiming, 30 tuổi, gây ra một vụ tai nạn nghiêm trọng vào tháng 12 năm ngoái làm bốn người chết và một người bị thương. Weiming đã điều khiển xe trong tình trạng say xỉn, không có giấy phép lái xe và tông liên hoàn vào bốn phương tiện khác.
Sự việc diễn ra trùng thời điểm đợt ra quân đàn áp vi phạm lái xe với nồng độ cồn cao kéo dài hai tháng nhằm chào mừng 60 năm quốc khánh Trung Quốc. Tình hình ngày càng xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng có liên quan đến nồng độ cồn gây ra mối quan tâm của công chúng. Ngoài ra, việc thực thi pháp luật trong xử phạt hành vi lái xe khi say rượu tại quốc gia này vẫn còn lỏng lẻo, cảnh sát dễ dàng nhận hối lộ nên vấn nạn này vẫn xảy ra liên tục và gây bức xúc dư luận.
Mới đây, trang Press Democrat đưa tin tòa án TP Santa Rosa, California, Mỹ buộc phải tuyên bản án chung thân sau khi một người đàn ông say rượu đã lái xe gây tai nạn, cướp đi mạng sống của một bà mẹ hai con.
Ông Pablo Salinas-Jacobo từng có hai tiền án say xỉn trong khi lái xe trước khi gây ra vụ tai nạn nghiêm trọng lần này. Hơn nữa, Jacobo từng được qua đợt giáo dục về an toàn khi điều khiển phương tiện giao thông và đang còn trong thời gian bị quản chế. Cảnh sát bang California cho biết trên xe của Jacobo thậm chí được cài đặt một bộ phận bắt lửa để ngăn ông ta lái xe khi đã uống rượu nhưng Jacobo cố tình gỡ bỏ thiết bị kia để tha hồ vi phạm. Từ những điều trên, thẩm phán kết luận Jacobo rõ ràng là nhận thức được nguy cơ lái xe khi say rượu nhưng ông vẫn cố tình vi phạm.
Hồi tháng 9 vừa qua, một người đàn ông sống ở bang Florida, Mỹ đã bị kết án tù chung thân vì lái xe khi say rượu gây tai nạn chết người rồi bỏ trốn.
Tạp chí PensacolaNews cho biết Kailen Kelly, 35 tuổi, bị kết án bất chấp mọi nỗ lực bào chữa của luật sư cho hai tội danh ngộ sát và lái xe trong tình trạng say xỉn của bị cáo. Các nhân chứng cho biết Kelly đã “chè chén” nguyên một ngày trước khi đâm xe tải của mình vào một phương tiện khác.
Sau khi gây tai nạn, ông này đã không dừng lại mà lái xe bỏ trốn. Thậm chí khi bị một xe cảnh sát của văn phòng cảnh sát trưởng quận Santa Rosa rượt đuổi, hú còi báo động, Kelly vẫn ngoan cố bỏ trốn.
Theo một báo cáo sau khi điều tra vụ việc, Kelly đã không làm chủ được tốc độ khi lái xe với vận tốc 142 km/giờ và gây tai nạn. Vụ việc khiến hai nạn nhân, Stormie Harrell và Sidney Dowdy cùng 17 tuổi, tử vong tại chỗ và làm thêm hai người khác bị thương nặng.
Trong năm 2017, chính phủ Anh cũng đưa ra dự thảo luật mới nhằm cải thiện an toàn giao thông. Cụ thể, hành vi lái xe sau khi uống rượu bia hoặc sử dụng ma túy gây tai nạn được đánh giá tương tự tội ngộ sát với mức án mới có thể từ 14 năm tù giam đến chung thân, The Guardian đưa tin.
Ngoài ra, trong đợt dự thảo luật mới, chính phủ Anh cũng đã nhận được khoảng 9.000 lượt thư tham gia đóng góp ý kiến cho việc sửa đổi luật. Trong đó đến 70% ý kiến nhất trí nâng mức phạt lên đến tù chung thân cho hành vi lái xe trong tình trạng say xỉn, gây hậu quả nghiêm trọng.