Đó là trường hợp của nữ bệnh nhân ĐTT (29 tuổi, quê Văn Giang, Hưng Yên). Theo lời kể của T, một lần vô tình sờ thấy khối u vùng ngực nên cô đã tìm đến bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội) để thăm khám.
Tại đây, T. được các bác sĩ (BS) chẩn đoán bị ung thư vú giai đoạn 2. Vì khối u ở vùng trung tâm, ngay sau núm vú nên cô phải cắt toàn bộ tuyến vú.
ThS.BS Vũ Anh Tuấn, khoa Phẫu thuật lồng ngực và mạch máu BV Bạch Mai, cho biết bệnh nhân T. là một trong số những bệnh nhân phát hiện ung thư vú khi tuổi còn rất trẻ. Sau khi phát hiện mình bị ung thư vú, bệnh nhân đã rất sốc vì không nghĩ mình thể mắc ở độ tuổi đó.
Hình ảnh phim chụp khối u của bệnh nhân T. trước khi phẫu thuật. Ảnh: M.T
Theo BS Tuấn, sau khi phẫu thuật ổn định, bệnh nhân T sẽ bắt đầu phác đồ điều trị hóa chất. Sau đó một năm, các BS sẽ đánh giá tình trạng toàn thân xem có tổn thương ung thư tái phát ở vị trí nào trên cơ thể không, nếu không bệnh nhân sẽ có thể thực hiện phẫu thuật tái tạo hình thể vú.
"Có hai xu hướng tái tạo là sử dụng mô tự thân và sử dụng chất liệu thay thế. Phương pháp sử dụng mô tự thân là sử dụng các tổ chức của cơ thể bệnh nhân như vạt cơ lưng rộng, cơ bụng để có thể tái tạo tuyến vú. Đây là một phẫu thuật tương đối phức tạp, có thể phải sử dụng đến vi phẫu và nó có cả nguy cơ hoại tử mô. Còn sử dụng các chất liệu thay thế thì đơn giản hơn, có đến 90% bệnh nhân lựa chọn phương pháp này", BS Tuấn cho biết thêm.
Cũng theo các chuyên gia y tế, đối với bệnh nhân ung thư vú giai đoạn sớm và vị trí khối u ở vùng rìa tuyến vú hoặc khối u chưa có biểu hiện xâm lấn, các BS có thể thực hiện kỹ thuật bảo tồn, đặc biệt là với những bệnh nhân trẻ. Bảo tồn luôn đi đôi với xạ trị, dùng hóa chất đúng phác đồ, sau đó phải theo dõi và khám định kỳ tốt.
Phẫu thuật bảo tồn có ưu điểm là có thể giữ lại hình thể tuyến vú một cách tự nhiên cho bệnh nhân, đảm bảo tính thẩm mỹ, đặc biệt đối với những bệnh nhân còn trẻ tuổi, chưa lập gia đình.