Bát nháo tầm soát ung thư

Vào giữa năm ngoái, công ty chị LTP (53 tuổi, ngụ quận Tân Bình) cho nhân viên gói kiểm tra sức khỏe, trong đó có nhiều mục xét nghiệm máu tầm soát ung thư vú, cổ tử cung, gan, tụy... Chị P. không ngần ngại đăng ký xét nghiệm các chỉ số để lỡ có phát hiện ra bệnh thì chữa sớm.

Xét nghiệm sơ sài, giá nào cũng có

Cầm kết quả xét nghiệm trên tay, chị P. tá hỏa khi chỉ số chỉ điểm ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng CA 125 tăng cao bất thường. Chị được trung tâm khám sức khỏe tư vấn nên đi khám chuyên khoa để xác định căn bệnh ung thư cổ tử cung, buồng trứng.

Tại phòng khám chuyên khoa, chị mệt mỏi chờ đợi gần ba tiếng mới được thăm khám. Hỏi lại thời điểm lấy máu xét nghiệm ung thư, bác sĩ được biết chị bị viêm nhiễm âm đạo và nhận định đây là nguyên nhân khiến kết quả CA 125 cao bất thường. Sau ba tháng, chị vẫn đi tái khám cho yên tâm nhưng không phát hiện dấu hiệu bất thường. “Nếu tôi đã được tư vấn một khi có dấu hiệu viêm nhiễm có thể ảnh hưởng kết quả chẩn đoán thì tôi đã không phải đi xét nghiệm lại trong tâm trạng vừa hoang mang vừa mất thời gian” - chị P. bày tỏ.

Tương tự chị P., gia đình có nhiều người thân mất vì ung thư, mới đây nhất là mẹ ruột mất vì ung thư gan, chị H. lo lắng tìm chỗ tầm soát ung thư. Tuy nhiên, khi tìm hiểu thông tin, chị vô cùng bối rối bởi chương trình tầm soát mỗi nơi mỗi khác. “Có nơi tầm soát chín loại ung thư cho nữ mà chỉ mất có 1,8 triệu đồng thì liệu có đảm bảo kết quả không? Hay có những nơi tầm soát đến 9, 10 triệu đồng. Chương trình tầm soát mỗi nơi mỗi khác như thế thì biết chương trình nào là hiệu quả, có được Bộ Y tế hay Sở Y tế đánh giá hiệu quả hay chưa?” - chị H. băn khoăn.

Tại phòng khám trên đường Lê Quý Đôn, quận 3, chị TTH (35 tuổi, ngụ quận 7) mới thực hiện tầm soát ung thư vú xong. Chị H. cho biết chị là Việt kiều Mỹ, nhân dịp về Việt Nam nên tầm soát ung thư luôn sau khi có dì ruột mới mất vì ung thư. Chị cho biết đăng ký bác sĩ nhưng không được tư vấn gì nhiều. Chị bày tỏ thất vọng khi tầm soát ung thư vú ở đây chỉ bao gồm siêu âm màu và xét nghiệm CA 15.3 nhưng mất hơn 800.000 đồng. “Tầm soát sơ sài như thế này liệu có ra bệnh không? Chắc sắp tới tôi phải tiếp tục ra Hà Nội để tầm soát thêm” - chị H. cho biết.

Tại một cơ sở khác trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 10, TP.HCM, chúng tôi tìm hiểu gói khám tầm soát các loại ung thư đại tràng, trực tràng, gan... ở đây khá rẻ bởi chỉ xét nghiệm máu các chỉ số AFP, CEA, NSE... “Nếu sau khi xét nghiệm cho kết quả bất thường, bác sĩ ở đây sẽ tư vấn khách hàng đến các bệnh viện có chuyên khoa để thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu phát hiện bệnh” - nhân viên của phòng khám này tư vấn.

Để đạt hiệu quả tầm soát ung thư, cần sự chuẩn bị của cả hệ thống y tế hơn là vài lời quảng cáo khoa trương. Ảnh: H.LAN

Hiệu quả bỏ ngỏ

Theo BS Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu BV quận Thủ Đức (TP.HCM), hiện tại không khó để nhận thấy nhiều gói tầm soát ung thư được đưa ra nhắm vào tâm lý lo sợ ung thư của người dân mà thiếu bằng chứng khoa học và không hiệu quả. Cụ thể, việc lạm dụng siêu âm tuyến giáp nhằm tầm soát ung thư giáp sẽ dẫn đến điều trị quá mức, không cần thiết do ung thư giáp là bệnh lý tiến triển rất chậm và nhiều nghiên cứu đã chứng minh tầm soát ung thư tuyến giáp chỉ gây thêm biến chứng do việc điều trị gây ra mà không ích gì cho bệnh nhân.

Nhiều phòng khám, bệnh viện đang tung ra các gói tầm soát ung thư, trong đó chỉ định bừa bãi các chất đánh dấu bướu như CEA, CA 15-3… trong khi không có tổ chức uy tín nào trên thế giới sử dụng xét nghiệm định lượng các chất này nhằm tầm soát các loại ung thư ruột già, ung thư vú… Chẳng hạn, CEA thường được quảng cáo nhằm phát hiện sớm ung thư ruột già nhưng thật ra chất này cũng tăng trong nhiều bệnh lý khác như ung thư phổi, bao tử, viêm phổi, viêm ruột…

Đối với ung thư ruột già khi mới phát triển, CEA chỉ tăng trong một số ít bệnh nhân, do đó lạm dụng chỉ định CEA trên người khỏe mạnh sẽ gây thêm hoang mang.

Điều dễ nhận thấy là hiện nay người dân đi tầm soát chưa được thông tin đầy đủ, các phòng khám thỏa sức tư vấn cho người dân làm  xét nghiệm càng nhiều càng tốt để thu lợi mà hiệu quả đối với người dân còn bỏ ngỏ.

Theo BS Vũ, hiện có các loại tầm soát ung thư đã được chứng minh hiệu quả là xét nghiệm phết tế bào (PAP) tìm ung thư cổ tử cung. Đối với các loại ung thư khác, người dân nên trang bị kiến thức phòng ngừa, nhận biết các dấu hiệu trên cơ thể như khối u ở vú đối với ung thư vú, đi cầu ra máu đối với ung thư ruột già (đại-trực tràng), khó tiêu, ậm ạch đối với ung thư dạ dày… để đi khám chuyên khoa. Chưa nhiễm viêm gan B thì nên đi chích ngừa đề phòng ngừa ung thư gan.

Tầm soát ung thư không đơn giản chỉ là thử máu, siêu âm hay là chụp X-quang tuyến vú. Để đạt hiệu quả cần sự chuẩn bị của cả hệ thống y tế hơn là vài lời quảng cáo khoa trương. Do đó, có thể nói hầu hết gói tầm soát ung thư hiện nay mang lại hiệu quả kinh tế cho phòng khám hơn là sức khỏe cho người dân.

Bác sĩ phải theo dõi bệnh nhân sau khi tầm soát

Tầm soát ung thư phải được thực hiện bởi bác sĩ có nhiều kinh nghiệm để phát hiện dấu hiệu sớm bất thường và vấn đề quan trọng là việc xử lý, theo dõi bệnh nhân sau khi tầm soát. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các phòng khám, bệnh viện chỉ dừng lại ở việc làm xét nghiệm. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường thì họ để mặc bệnh nhân hoang mang, phải tự mình cầu cứu khắp nơi.

Cần cơ quan uy tín chủ trì

Tại Việt Nam từ trước đến nay vẫn chỉ mới có các nghiên cứu tản mác, chưa có nghiên cứu rộng rãi đánh giá hiệu quả, vai trò của tầm soát và xây dựng chương trình tầm soát phù hợp với tỉ lệ bệnh ở nước ta. Để làm được điều này phải có cơ quan đầu não như Bộ Y tế chủ trì.

BS NGUYỄN TRIỆU VŨ,Trưởng khoa Ung bướu BV quận Thủ Đức (TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm