Tôi thấy nhiều bạn bè của tôi cũng bị mất hộ chiếu nhưng khi đi làm lại hộ chiếu thì không bị xử phạt. Vậy xin hỏi việc tôi bị xử phạt là có đúng pháp luật? Trường hợp nào bị mất hộ chiếu mà không bị xử phạt?
Bạn đọc Nguyễn Thu Thảo (Cần Giờ, TP.HCM)
Luật sư Phạm Minh Tâm, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Khoản 1 Điều 9 Thông tư 29/2016 của Bộ Công an quy định trong thời hạn 48 giờ kể từ khi phát hiện mất hộ chiếu, người bị mất hộ chiếu cần trình báo với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh nơi gần nhất để hủy giá trị sử dụng của hộ chiếu đã mất.
Người bị mất hộ chiếu nếu không kịp thời trình báo với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh sẽ bị xem xét xử lý hành chính theo quy định của pháp luật.
Khi đến trình báo, người bị mất hộ chiếu xuất trình giấy CMND hoặc thẻ căn cước công dân còn giá trị sử dụng để kiểm tra, đối chiếu.
Nếu người mất hộ chiếu gửi đơn trình báo qua bưu điện thì đơn phải có xác nhận của trưởng công an cấp xã nơi người đó thường trú hoặc tạm trú.
Đồng thời, theo điểm a khoản 2 Điều 17 Nghị định 167/2013, cá nhân không thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền về việc mất hộ chiếu sẽ bị xử phạt hành chính, mức phạt từ 500.000 đến 2 triệu đồng.
Như vậy, người bị mất hộ chiếu phải có trách nhiệm trình báo tới cơ quan quản lý xuất nhập cảnh nơi gần nhất về việc mất hộ chiếu trong thời hạn 48 giờ từ khi biết việc mất hộ chiếu. Nếu không trình báo thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Ngược lại, nếu người bị mất hộ chiếu mà kịp thời thông báo cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh theo thời hạn nêu trên sẽ không bị xem xét xử phạt hành chính.
Từ các quy định trên, dù việc bị mất hộ chiếu là rủi ro ngoài ý muốn nhưng chị Thảo đã không thực hiện việc thông báo đúng hạn đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Vì vậy, chị vẫn phải chịu xử phạt vi phạm về hành vi này.