Tổng thống Thein Sein trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi cuối tháng 6/2014. |
Đã có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng bị cô lập trên trường quốc tế bởi những hành động ngang ngược và bất chấp lý lẽ luật pháp quốc tế của họ trong các tuyên bố chủ quyền trên biển. Bắc Kinh không nhận được sự ủng hộ trong cuộc tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku và đang vấp phải những sự phản đối mạnh mẽ vì những hành động ở Biển Đông.
Trung Quốc đang cuống cuồng tìm cách lôi kéo những đồng minh hay ít nhất là những quốc gia có thể ủng hộ họ. Nhưng có vẻ việc này khá khó khăn.
Đầu tiên, Trung Quốc tìm đến Myanmar mặc dù quốc gia này không phải là một cường quốc hải quân và càng không phải là một “tiếng nói có trọng lượng” trong lĩnh vực ngoại giao quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tìm đến bởi họ cho rằng từ những ủng hộ trong quá khứ của Bắc Kinh đối với chính quyền quân sự ở Myanmar, họ sẽ nhận được sự đồng tình dù là không mấy mạnh mẽ của Naypyidaw. Thêm vào đó, Myanmar hiện đang là chủ tịch luân phiên của ASEAN nên dù sao tiếng nói ủng hộ (nếu có) của quốc gia này sẽ khiến Bắc Kinh bớt cô độc hơn.
Nhưng trong cuộc đón tiếp nhà lãnh đạo Myanmar, Tổng thống Thein Sein hồi cuối tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phải nhận một “gáo nước lạnh” bởi thái độ cự tuyệt rất dứt khoát của ông Thein Sein.
“Ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rất nhiều lần về vấn đề này”, U Zaw Htay, Giám đốc văn phòng Tổng thống Thein Sein tiết lộ với báo giới khi nói về Trung Quốc và vấn đề mà nước này đang gây ra ở Biển Đông, “Nhưng Tổng thống của chúng tôi đã giữ quan điểm rất vững vàng. Ông ấy từ chối đứng về phía Trung Quốc và đồng thời còn thúc đẩy Trung Quốc phải có những biện pháp giải quyết xung đột theo luật pháp quốc tế”.
Đến nay, Trung Quốc vẫn khăng khăng đòi giải quyết các tranh chấp về chủ quyền đối với các hòn đảo, các bãi cạn, bãi ngầm và dải san hô ở Biển Đông giữa họ với Philippines và Việt Nam thông qua đàm phán song phương.
Nhưng ASEAN vẫn đang tích cực thúc đẩy quá trình xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử dành cho các bên ở BIển Đông nhằm ngăn chặn các hành vi sử dụng vũ lực, quân đội để hỗ trợ cho các tuyên bố chủ quyền đồng thời đề nghị các bên phải sử dụng trọng tài quốc tế để đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải cho tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới này.
“Myanmar đứng về phía ASEAN trong vấn đề này”, ông Zaw Htay khẳng định trong một cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên quốc tế.
Từ quan điểm của Tập Cận Bình, Bắc Kinh đã cho rằng họ lựa chọn sai thời điểm để “thuyết phục” nhà lãnh đạo của Myanmar bởi trong tháng này, Myanmar sẽ tổ chức một hội nghị quan chức ngoại giao của ASEAN và Trung Quốc. Đây là cuộc gặp đầu tiên kể từ khi Trung Quốc kéo giàn khoan trái phép vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Kể từ khi chính thức tiếp nhận chức Chủ tịch ASEAN, Myanmar đã tỏ ra khá nghiêm túc và tích cực với vai trò này. Khi tổ chức các sự kiện quốc tế, họ đã đưa các nhà ngoại giao đến thủ đô mới của mình ở Naypyidaw – một khu vực còn khá hẻo lánh và đặc biệt là luôn khôn khéo tránh những hành động có thể khiến thế giới hiểu rằng họ “đại diện cho quyền lợi của Bắc Kinh”.
Đặc biệt, Myanmar luôn tỏ thái độ khá rõ ràng và dứt khoát rằng họ không giống như Lào hay Campuchia – 2 quốc gia nhỏ trong ASEAN mà Trung Quốc thường tìm đến mỗi khi cần có sự ủng hộ về mặt ngoại giao.
Mặc dù bị ông Thein Sein từ chối thằng thừng, ông Tập Cận Bình vẫn không từ bỏ việc “ve vãn” đối với Myanmar và Ấn Độ (Phó Tổng thống Ấn Độ Hamid Ansari cũng đang ở thăm Trung Quốc) bằng những lời lẽ rất bay bổng và nhiều hứa hẹn nhưng lại rất ít thực tế về chính sách ngoại giao của Bắc Kinh.
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Myanmar Thein Sein (trái) tại Bắc Kinh. (Ảnh: AP) |
Trong bữa tiệc nhân kỷ niệm 60 năm ngày ra đời “Bản nguyên tắc 5 điểm về cùng tồn tại hòa bình” do Mao Trạch Đông khởi xướng hồi những năm 1950, ông Tập còn lên tiếng kêu gọi “cần phải có một hình mẫu khác và những thỏa thuận an ninh khác dành cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
“Chúng ta cần hành động vì một cấu trúc an ninh mới cho châu Á – Thái Bình Dương dựa trên nguyên tắc cởi mở, minh bạch và bình đẳng. Thời của những sự thống trị đối với các vấn đề quốc tế đã qua và những nỗ lực để hồi sinh nó chắc chắn sẽ thất bại”, Tập Cận Bình nói.
Các nhà phân tích Trung Quốc sau đó đã khẳng định rằng, lời lẽ của ông Tập là nhắm đến Hoa Kỳ và tỏ ra khó chịu đối với sự ảnh hưởng của Hoa Kỳ đối với khu vực.
Một điều đáng chú ý nữa là Bắc Kinh không chỉ ra sức ve vãn nhà lãnh đạo của Myanmar mà họ còn đang nhắm đến cả các nhóm đối lập có tư tưởng “bài Trung Quốc” ở Myanmar. Chính quyền Trung Quốc đã có lời mời Liên đoàn luật sư Myanmar – tổ chức đã giành chiến thắng trong các chiến dịch buộc những dự án khai mỏ và dự án thủy điện mà Trung Quốc đang tiến hành ở Myanmar, phải bị đình chỉ vô thời hạn.
Nhưng chiến thuật “mật ngọt chết ruồi” này của Bắc Kinh cũng đã bị lộ tẩy. “Họ mời chúng tôi sang thăm Bắc Kinh và giao lưu với Hiệp hội luật sư Trung Quốc chẳng qua chỉ là một chiến thuật dụ dỗ mới mà thôi”, U Thein Than Oo – một thành viên chủ chốt của Liên đoàn luật sư Myanmar phát biểu.
Hiện Trung Quốc vẫn đang là nhà đàu tư lớn nhất vào Myanmar với tổng giá trị lên đến khoảng 14 tỷ USD. Nhưng hiện nay, các nhà đầu tư Mỹ và Nhật Bản cũng đang bắt đầu tăng tốc giúp cho Myanmar dần dần “tự tin” hơn khi nói chuyện với Bắc Kinh.
Có một diễn biến không thể bỏ qua là trong thời điểm ông Thein Sein đang ở Bắc Kinh, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ, phụ trách vấn đề nhân quyền, ông Tom Malinowski đã đến thăm Myanmar. Tại đây, ông Malinowski đã có các cuộc gặp gỡ với giới doanh nhân Myanmar và lên tiếng hối thúc họ cải thiện điều kiện kinh doanh để Mỹ có thể sớm dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Myanmar và mở đường cho các doanh nhân Mỹ đầu tư vào nền kinh tế nước này và phá vỡ thế độc tôn của Trung Quốc.
Nói một cách khác, Myanmar đã gần như hoàn toàn “rời khỏi vòng tay” của Bắc Kinh.
Theo Lê Trí/Infonet