“Chơi” với Trung Quốc như thế nào?

Tại hội thảo “Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức vào sáng 3-7, ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) cơ khí Việt Nam, cho biết hầu hết dự án công nghiệp của Việt Nam đều dùng cơ chế chỉ định thầu hoặc đấu thầu giá thấp nên đều lọt vào tay các nhà thầu Trung Quốc (TQ).

Doanh nghiệp Việt sống dở chết dở

Ông Thụ lưu ý: “Từ năm 2003 đến 2011, TQ làm tổng thầu 5/6 dự án hóa chất, 2/2 dự án chế biến khoáng sản, 49/62 dự án xi măng và nhiều dự án giao thông. Riêng nhiệt điện có 16/27 dự án do TQ làm tổng thầu. Hệ quả của những dự án này là chậm tiến độ từ ba tháng đến ba năm, chất lượng thiết bị thấp, giá hợp đồng đội lên… Đáng chú ý là TQ đem toàn bộ vật tư, sắt thép, phụ tùng, phụ kiện có thể chế tạo tại Việt Nam và cả lao động phổ thông sang làm tại các công trình mà họ làm tổng thầu” - ông Thụ nhấn mạnh.

Chuyên gia Lê Đăng Doanh: “Trung Quốc là bậc thầy của lại quả, mua chuộc, đút lót!”. Ảnh T.HẰNG

Ông Đinh Văn Hương, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng trong thời gian dài chính sách biên mậu và quản lý nhà nước với TQ khá dễ dãi đã tạo nên sự cạnh tranh thiếu công bằng đối với DN Việt Nam. Thực tế nhiều DN Việt Nam đã sống dở chết dở và đi đến phá sản do nguồn nguyên liệu bị TQ thao túng. Thương nhân TQ tập cho nông dân và thương lái Việt Nam cách làm ăn cẩu thả, gian dối, đi vào chất lượng thấp, sử dụng nhiều hóa chất độc hại nên khi TQ không mua nữa thì những sản phẩm làm ra không bán được cho thị trường khác. Còn các sản phẩm nhập khẩu từ TQ lại có dư lượng thuốc hóa học rất cao, hại đến sức khỏe người tiêu dùng cũng được nhập khẩu dễ dãi. Việc nhập nông sản TQ đã gây áp lực lên nông sản Việt do giá thấp và chất lượng kém, không an toàn.

Về gỗ, theo ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, tuy giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang TQ cao nhưng giá trị gia tăng thấp, lợi nhuận thu lại thấp và làm kìm hãm quản lý bền vững. Bởi lẽ thương nhân TQ mua các loại sản phẩm gỗ sơ chế, áp dụng công nghệ lạc hậu không thân thiện với môi trường. “Hậu quả là tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các DN Việt Nam. Thêm vào đó việc thương nhân TQ thu mua gỗ non đã gây thiệt hại cho cả Nhà nước, DN lẫn người dân. Vì vậy rất cần có chiến lược và tự chủ đối với tình trạng thu mua vơ vét tài nguyên rừng hiện nay” - ông Quyền nhấn mạnh.

TQ là “bậc thầy lại quả”

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đặt vấn đề: “Tại sao giao nhiều dự án cho TQ, trong đấy có bao nhiêu phần trăm là lợi ích quốc gia? Liệu có lợi ích nhóm chi phối mạnh trong khi TQ là bậc thầy của lại quả, mua chuộc, đút lót? Lợi ích nhóm tác động nghiêm trọng, nảy sinh nhiều sơ hở không đáng có dẫn đến tình trạng phụ thuộc vào kinh tế TQ”.

Ông Doanh cho biết có một sự chênh lệch đáng kể giữa số liệu của hai nước, ước tính khoảng 5 tỉ USD chiếm từ 3% đến 5% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước. Đây chính là số hàng hóa xuất và nhập lậu. Điều này cho thấy sự dễ dãi của quản lý nhà nước trong giao thương với TQ.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: “Quan hệ thương mại giữa Việt Nam với TQ là quan hệ khác thường, không giống với các đối tác thương mại khác. Việt Nam phụ thuộc khá nặng vào xuất nhập khẩu với TQ, trong nhiều lĩnh vực nhập siêu liên tục tăng cao. Tuy nhiên, lợi ích thương mại phần lớn lại vào tay TQ. Ngay cả xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới cũng là đang xuất khẩu hộ TQ rất nhiều”.

Cải cách thể chế, đa dạng hóa thị trường

Để tự chủ kinh tế, theo TS Doanh, phải cải cách thể chế để tạo quan hệ bình đẳng. Đồng thời phải công khai, minh bạch, tạo chế độ trách nhiệm cá nhân và phải kiểm soát quyền. Về phía DN, phải có nhiều DN dân tộc lớn mạnh, phải ứng dụng khoa học công nghệ để có năng lực cạnh tranh tạo ra những sản phẩm khác biệt.

“Chúng ta phải tự chủ từ bộ máy, chính sách, thể chế. Bởi lẽ vấn đề tự chủ kinh tế phụ thuộc vào thể chế có mạnh không” - ông Lê Đăng Doanh nói.

Với nhận định TQ là một thị trường lớn đến mức không thể không “chơi”, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, đưa ra bốn nhóm giải pháp để tự chủ kinh tế trong thế giới phụ thuộc lẫn nhau như hiện nay. Đó là dựa vào pháp lý; tính uyển chuyển của thị trường; đẩy nhanh các hiệp định thương mại tự do với các đối tác khác như Hiệp định FTA, TPP và cuối cùng là cần phải giám sát chặt chẽ để có cơ chế phản ứng nhanh trong điều kiện có rủi ro xuất hiện.

THU HẰNG

TQ không dễ gây hấn Việt Nam

Theo TS Võ Trí Thành, Phó viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, TQ không dễ dàng gây hấn Việt Nam bởi bốn lý do.

Thứ nhất, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và TQ không chỉ đơn thuần là quan hệ giữa hai nước mà còn liên quan đến nhiều tập đoàn xuyên quốc gia. Vì vậy mối quan hệ này liên quan đến nhiều quốc gia trên thế giới đang đầu tư tại Việt Nam. Thứ hai, về tổng thể, TQ đang có nhiều lợi ích hơn trong mối quan hệ thương mại với Việt Nam. Thứ ba, TQ không dễ phá bỏ các ràng buộc với Việt Nam vì hiện nay Việt Nam đang “chơi” với TQ bằng các cam kết quốc tế. Cuối cùng, nếu TQ gây hấn với Việt Nam thì hình ảnh của TQ sẽ xấu đi và sẽ bị thiệt hại rất nhiều.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm