Với số tàu quân sự này đã nâng tổng số tàu quân sự của Trung Quốc tại khu vực này lên 7 chiếc, tăng thêm so với những ngày trước 1 chiếc.
Theo ghi nhận, đây là thời điểm phía Trung Quốc huy động nhiều tàu quân sự ra khu vực giàn khoan trái phép nhất từ đầu tháng 6 đến nay. Ngoài số lượng đông đảo các tàu quân sự, Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì hơn trăm tàu các loại quanh giàn khoan trái phép, trong đó có 44 - 46 tàu hải cảnh, 14-16 tàu vận tải, 15-16 tàu kéo, 34 tàu cá vỏ sắt…
Bằng lực lượng áp đảo hơn, phía Trung Quốc tiếp tục sử dụng các loại tàu để ngăn cản, chèn ép các tàu thực thi công vụ và tàu cá của Việt Nam.
Trong ngày, các tàu kiểm ngư, cảnh sát biển VIệt Nam đã thực hiện các đợt tiếp cận giàn khoan trái phép ở khoảng cách 10-11 hải lý để đấu tranh, yêu cầu Trung Quốc dừng mọi hoạt động, rút mọi phương tiện khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi làm nhiệm vụ các tàu thực thi công vụ của Việt Nam đã gặp khó khăn do phía Trung Quốc đã sử dụng nhiều tàu đồng loạt tăng tốc độ, áp sát tàu của ta từ 200-300 m để ngăn cản.
Cùng ngày, cách giàn khoan trái phép khoảng 40-45 hải lý về hướng Tây Tây Nam, nơi các ngư dân Việt Nam vừa đánh bắt cá, vừa tập trung đấu tranh, phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc, Trung Quốc cũng sử dụng 34 tàu cá vỏ sắt và hai tàu hải cảnh thường xuyên bám sát, ngăn cản, ép hướng các tàu cá của Việt Nam, không cho các tàu cá của Việt Nam tiến vào gần khu vực giàn khoan.
Trước sự ngăn chặn của các tàu Trung Quốc, các tàu thực thi công vụ và ngư dân của Việt Nam vẫn kiên cường bám biển để đấu tranh, yêu cầu Trung Quốc dừng mọi hoạt động, rút mọi phương tiện ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Các tàu cá của ngư dân Miền Trung tiếp tục hoạt động đánh bắt trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa dưới sự hỗ trợ của lực lượng kiểm ngư Việt Nam.
Trọng Phú