Tình trạng cãi vã trong việc cắm biển báo và tranh cãi giữa người vi phạm với người thực thi công vụ và ngay chính các cơ quan chức năng vẫn chưa đến hồi kết vì mỗi nơi hiểu, áp dụng một kiểu này.
Biển hiệu lệnh giao thông ở Hà Nội, Cần Thơ theo đúng quy chuẩn, không có phần chữ phía dưới.
Cãi từ chuyện chạy lấn làn
Mới đây, ở Hải Phòng xảy ra chuyện tài xế dọa kiện vì cho rằng CSGT lập biên bản, xử phạt sai về lỗi lấn làn đường.
Theo người này, khi chạy ô tô lấn vào làn đường dành cho xe máy, bị CSGT lập biên bản vi phạm, anh đã cãi CSGT là biển báo chỉ dẫn đặt ở thành cầu vượt không có giá trị pháp lý, không có trong Quy chuẩn 41/2016 nên không chấp nhận việc CSGT lập biên bản. Anh cãi: Theo quy chuẩn thì biển chỉ dẫn R.412f “Làn đường dành cho ô tô” và biển R.412g “Làn đường dành cho xe máy và xe đạp” có hình chữ nhật màu xanh lam, không hề có chữ phía dưới.
Tuy nhiên, ở thành cầu vượt, biển chỉ dẫn này có thêm phần chữ “Xe ô tô” bên dưới. “Đây là biển không có giá trị pháp lý, mà đã không có giá trị pháp lý thì không thể dựa vào đó để xử phạt” - anh cãi.
Cũng theo vị CSGT này, anh em làm việc trên đường trong giờ cao điểm đã ức chế mà gặp những tài xế vin vào Quy chuẩn 41 để cãi thì càng thêm bực.
“Biển cắm không theo quy chuẩn thì chúng tôi không có căn cứ để xử lý vi phạm. Một trong những biện pháp tuyên truyền tốt nhất cho người tham gia giao thông là phạt lỗi vi phạm để họ nhớ nhưng nhiều trường hợp không làm được. Các tài xế khi cãi thắng CSGT, họ rất hả hê” - ông Vũ Ngọc Thắng, Đội trưởng Đội tuyên truyền-Xử lý, Phòng CSGT Hải Phòng, cho hay.
Thực tế, về biển hướng dẫn làn xe mỗi nơi cắm một kiểu. Tại Hà Nội, các biển hướng dẫn này theo Quy chuẩn 41; ở Hải Phòng thì thêm chữ trên tất cả biểu tượng; TP.HCM thì có nơi chỉ ghi ở phần xe 2-3 bánh…
Chính vì sự không thống nhất này mà các tài xế, người vi phạm khi bị CSGT “vịn” là cãi. Họ còn lên Facebook “phổ biến” các quy định của Quy chuẩn 41 làm “bùa” để cãi CSGT về các biển chỉ dẫn không theo quy chuẩn này.
Biển hiệu lệnh hướng dẫn giao thông ở Hải Phòng có thêm phần chữ phía dưới bị các tài xế cãi là không có căn cứ pháp lý.
Đến “lộn xộn” về biển cấm xe tải
Tại Đội 1, Phòng CSGT Hải Phòng, nhiều chiến sĩ, cán bộ than: Khi điều tiết giao thông, có xe tải thấy biển cấm ô tô tải một tấn liền cho xe đi vào để khiêu khích CSGT. Anh em làm nhiệm vụ yêu cầu xe không vào đường cấm nhưng lái xe cố tình đi. “Khi CSGT yêu cầu lái xe xuống giải quyết, lái xe cãi lại vì họ cho là biển cấm xe tải một tấn không có trong quy chuẩn, thách thức lập biên bản” - một CSGT Đội 1 kể.
Nguyên nhân là do hầu hết biển cấm xe tải trên các tuyến phố quan trọng của TP Hải Phòng đều dùng biển cấm xe tải một tấn. “Theo Quy chuẩn 41, giải thích từ ngữ xe tải phải là xe có trọng lượng 1,5 tấn trở lên. Như vậy, biển cấm xe tải một tấn không có giá trị pháp lý nên các phương tiện được đi thoải mái, tự do ở các tuyến phố, gây ra tình trạng mất trật tự an toàn giao thông trong khu vực nội đô” - ông Vũ Trường Linh, Đội trưởng Đội Tham mưu, Phòng CSGT Hải Phòng, cho biết.
Biển cấm xe tải một tấn làm CSGT không xử lý được xe tải vi phạm. Ảnh: H.ĐƯỜNG
Theo số liệu, Phòng CSGT Hải Phòng quản lý hơn 73.000 xe tải (trong đó có hơn 14.000 xe đầu kéo rơmoóc) và rất nhiều xe tải ở các tỉnh, thành khác ra vào các cảng nhưng CSGT gặp khó khi xử lý các xe vào đường cấm vì các bảng một tấn này. “Hiện tại lực lượng chức năng chịu chết với số xe tải, thậm chí xe container vi phạm trên các tuyến đường đặt biển cấm xe tải một tấn” - ông Vũ Ngọc Thắng, Đội trưởng Đội tuyên truyền-Xử lý, Phòng CSGT Hải Phòng, nói.
Tại TP.HCM, một đội trưởng CSGT cũng than: Các tài xế xe tải cũng lấy Quy chuẩn 41 ra cãi khi bị CSGT xử lý.
Các tài xế ở TP.HCM cãi CSGT khi cho là biển này không có trong Quy chuẩn 41/2016. Ảnh: L.THOA
Theo vị này, Quy chuẩn 41 mô tả biển cấm xe tải có hình vẽ xe và thùng liền nhau nhưng có chỗ vẽ biểu tượng này có đầu xe và thùng xe tách rời. Vì vậy khi bị xử lý, lái xe cho rằng biển cấm không đúng quy chuẩn, không được phạt. “Họ cãi: Nếu vẽ như vậy thì đây là biển cấm khối lượng của thùng hàng chứ không phải khối lượng của xe. CSGT phải kiên trì giải thích nhưng có trường hợp tài xế không chấp nhận, anh em đành chịu thua vì trên thực tế đúng là biển cấm đã sai với quy chuẩn” - vị này cho hay.
“Ông” cắm biển gây ức chế cho “ông” xử phạt
Theo quy định, các địa phương giao Sở GTVT chủ trì việc cắm biển báo, kẻ vạch giao thông, còn công an là người xử phạt theo các biển báo nhưng quy chuẩn và Luật Giao thông đường bộ có độ vênh làm CSGT căng thẳng, ức chế khi gặp các bác tài cứng cựa.
CSGT TP.HCM vận dụng biển cấm bằng chữ để xử phạt các bác tài vi phạm, được Bộ GTVT cho phép. Ảnh: L.THOA
“Các biển cấm đều do các đơn vị thuộc Sở GTVT các địa phương phụ trách đối với các tuyến đường lớn, còn Phòng QLĐT các quận/huyện phụ trách các tuyến nội bộ chứ không phải do lực lượng CSGT quản lý. Nên khi thực thi pháp luật mới phát hiện nhiều mâu thuẫn dẫn đến việc lái xe gây khó dễ khi bị xử phạt” - vị CSGT TP.HCM phân tích.
Một cán bộ Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP.HCM cũng cho rằng: Quy chuẩn 41 hiện nay gây khá nhiều lúng túng cho ngành CSGT khi xử phạt vi phạm. Ông đề nghị cơ quan chức năng sớm điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp thực tế và các quy định để quản lý giao thông tốt hơn.
Ông Vũ Ngọc Thắng, Đội trưởng Đội tuyên truyền-Xử lý, Phòng CSGT Hải Phòng, cũng đề nghị: “Việc cắm lại biển hay sơn lại vạch đường để không gây tranh cãi là việc cấp thiết để đảm bảo việc thực thi pháp luật nghiêm minh”.
CSGT TP.HCM cũng than Một cán bộ Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP.HCM cho rằng Quy chuẩn 41 hiện nay gây khá nhiều lúng túng cho ngành CSGT khi xử phạt vi phạm. Đơn cử, khi thực hiện các công trình xây dựng thì cơ quan quản lý hạ tầng đô thị (Sở GTVT hoặc khu quản lý giao thông đô thị) sẽ có điều chỉnh đột xuất về giao thông nên phải lắp nhiều biển cấm, biển chỉ dẫn; băng rôn, biển hiệu tạm thời. Tuy nhiên, đối với trường hợp này, các tài xế nhiều khi thiếu quan sát nên vẫn đi theo thói quen, dẫn đến vi phạm rồi xảy ra mâu thuẫn với lực lượng chức năng vì cho là băng rôn, biển hiệu tạm thời không có trong Quy chuẩn 41, không có hiệu lực áp dụng. Đối với biển cấm xe tải, có nhiều địa phương có biển cấm 0,5 tấn, một tấn…, ghi rõ số tấn trên biển cấm tùy theo khối lượng mà tuyến đường đó muốn cấm. Mà vấn đề này chưa được giải thích rõ ràng trong Quy chuẩn 41. Thực tế khi gặp biển cấm có vẽ hình xe tải thì tự hiểu là cấm xe tải từ 1,5 tấn trở lên, còn dưới 1,5 tấn không có loại biển nào. “Mới đây, Sở GTVT TP.HCM có cho lắp biển cấm bằng chữ ghi rõ là “Cấm ô tô tải và xe chở hàng có khối lượng chuyên chở là 0,5 tấn” được Bộ GTVT cho phép. Tuy nhiên, nhiều tài xế khi bị phạt thì không chấp nhận, cho rằng biển báo không đúng quy chuẩn nên không có hiệu lực vì không có xe tải nào 0,5 tấn. Đối với trường hợp này, chúng tôi phải dựa vào Điều 46 của Quy chuẩn 41 để giải thích vì Điều 46 có đề cập đến biển cấm viết bằng chữ bắt đầu bằng chữ “Cấm” để các tài xế chấp thuận việc xử phạt” - vị CSGT này lý giải. Lý của “ông” cắm biển: Việc ghi thêm chữ “Xe ô tô” là không sai. Các biển ghi thêm “Xe ô tô” là biển hiệu lệnh và việc viết như trên càng giải thích rõ hơn cho người dân về biển hiệu. Đối với biển báo cấm xe tải, Quy chuẩn 41 định nghĩa xe dưới 1,5 tấn trở xuống được gọi là xe con trong quy ước tổ chức giao thông. Vì quan điểm của ngành GTVT là hạn chế cấm các loại xe kích cỡ nhỏ nhằm giúp chuyên chở các mặt hàng nông sản vào phố: “Trường hợp đặc biệt phải cấm vào ngày, giờ nào do mật độ giao thông cao tùy từng địa phương. Bởi lẽ theo Điều 37 của Luật Giao thông đường bộ, chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên các hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý của mình. Trước đây, Hà Nội, TP.HCM và Hải Phòng cũng có thắc mắc về những quy định này nhưng sau khi chúng tôi giải thích như trên họ đã cắm biển cấm theo tình hình thực tế của địa phương... Ông VŨ NGỌC LĂNG, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam ____________________ Lý của “ông” xử phạt: Theo quy chuẩn, biển hướng dẫn R.412f không hề có chữ. Nếu muốn giải thích thì phải có biển phụ và biển này phải cắm độc lập. Theo quy định, quy chuẩn quy định biển có kích cỡ như thế nào, màu sắc ra sao thì phải tuân thủ đúng như vậy. Tuy nhiên, thực tế một số tuyến đường khi xây dựng, sửa chữa hoặc nâng cấp thì được khoán cho nhà thầu. Nhà thầu sẽ cắm biển luôn, nhiều khi có sai sót mà đơn vị quản lý chưa kịp điều chỉnh. Một cán bộ Cục CSGT (C67, Bộ Công an) |