‘Biên niên sử’ của một vụ tranh chấp nhà

Người ta nói “vô phúc đáo tụng đình”, điều này có lẽ khá đúng với trường hợp đương sự trong vụ án dưới đây do TAND quận Phú Nhuận, TP.HCM thụ lý ban đầu.

Bên bảo nhờ đứng tên, bên nói mua chung

Theo đơn khởi kiện của bà Lê Thị Trình: Năm 1990, vợ chồng bà mua một phần diện tích nhà, đất 118A Phan Xích Long, phường 2, quận Phú Nhuận, TP.HCM với giá 68 lượng vàng. Do vợ chồng bà là cán bộ nhà nước chờ mua nhà hóa giá, không thể đứng tên một căn nhà khác nên bà có nhờ bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (cháu họ) đứng tên. Năm 1991, bà mua thêm 40 m2 đất giáp phía sau của một người khác với giá 28 triệu đồng, bà cũng nhờ bà Hạnh đứng tên hộ.

Năm 1998, hai phần nhà, đất trên bị giải tỏa, được đền bù hai nền nhà tại đường Phan Xích Long và đường Hoa Cúc (trị giá hơn 323 triệu đồng và hơn 125 triệu đồng), bà Hạnh đã giao cho ông Cường (chồng bà Trình) hơn 65 triệu đồng, còn lại 60 triệu đồng bà Hạnh mượn. Năm 2002, bà Trình khởi kiện yêu cầu bà Hạnh sang tên hai nền nhà cho bà, bà đồng ý cho bà Hạnh số tiền đã mượn là 60 triệu đồng và cho thêm 40 triệu đồng nữa.

Bà Hạnh thì cho rằng bà và mẹ bà có hùn bảy lượng vàng với vợ chồng bà Trình mua nhà, đất nói trên với giá 14 lượng vàng, sau đó có hùn tiền sửa chữa lại căn nhà trên. Bà và mẹ bà yêu cầu được chia 50% giá trị căn nhà.

Ban đầu bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh là bị đơn, giờ bà trở thành nguyên đơn của vụ kiện. Ảnh: YẾN CHÂU

Khi xử vầy, khi xử khác

Tháng 5-2003, TAND quận Phú Nhuận xử sơ thẩm lần đầu công nhận toàn bộ tiền mua nhà 118A Phan Xích Long là của vợ chồng bà Trình. Tòa buộc bà Hạnh trả cho vợ chồng bà Trình toàn bộ hai nền đất; công nhận sự tự nguyện của vợ chồng bà Trình cho bà Hạnh 100 triệu đồng.

Sau đó, bà Hạnh kháng cáo. Tháng 8-2003, TAND TP.HCM xử phúc thẩm lần đầu, tuyên hủy bản án sơ thẩm vì cấp sơ thẩm không buộc bà Hạnh sang tên hai lô đất tái định cư cho vợ chồng bà Trình và bỏ sót khoản tiền đền bù giải tỏa hơn 70 triệu đồng.

Tháng 10-2006, TAND quận Phú Nhuận xử sơ thẩm lần hai, lúc này tòa công nhận căn nhà và đất số 118A Phan Xích Long là tài sản sở hữu chung theo phần của vợ chồng bà Trình và mẹ con bà Hạnh, theo tỉ lệ vợ chồng bà Trình 69,57%, mẹ con bà Hạnh 30,43%. Và các bên được hưởng các chính sách giải tỏa đền bù và tái định cư theo tỉ lệ trên.

Cả hai bên đều kháng cáo. Tháng 1-2007, TAND TP.HCM xử phúc thẩm lần hai, tuyên sửa bản án sơ thẩm, công nhận căn nhà và đất số 118A Phan Xích Long là tài sản của vợ chồng bà Trình. Vợ chồng bà Trình được hưởng các chính sách đền bù và tái định cư theo quy định. Tòa bác yêu cầu của mẹ con bà Hạnh và ghi nhận sự tự nguyện của vợ chồng bà Trình phụ giúp cho bà Hạnh 100 triệu đồng.

Được cấp giấy, bán nền nhà và rút đơn kiện

Sau đó viện trưởng VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy án phúc thẩm, giữ nguyên án sơ thẩm. Tháng 10-2007, Tòa Dân sự TAND Tối cao ban hành quyết định giám đốc thẩm (lần đầu) hủy bản án dân sự phúc thẩm của TAND TP.HCM, giao hồ sơ vụ án cho TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm lại.

Tháng 11-2008, TAND TP.HCM xử phúc thẩm lần ba và quyết định sửa án sơ thẩm: Công nhận căn nhà và đất số 118A Phan Xích Long là tài sản sở hữu của vợ chồng bà Trình, vợ chồng bà được nhận toàn bộ tiền đền bù và nhận hai nền đất tái định cư. Tòa không chấp nhận yêu cầu của mẹ con bà Hạnh được sở hữu 1/2 giá trị căn nhà, đồng thời ghi nhận sự tự nguyện của bà Trình, ông Cường phụ giúp cho bà Hạnh 200 triệu đồng.

Năm 2010, vợ chồng bà Trình được cấp giấy chứng nhận hai nền đất tái định cư, sau đó vợ chồng bà đã bán hai nền đất trên.

Đến tháng 10-2011, chánh án TAND Tối cao kháng nghị đề nghị hủy cả hai bản án (phúc thẩm lần ba và sơ thẩm lần hai).

Tháng 2-2012, Tòa Dân sự TAND Tối cao ra quyết định giám đốc thẩm (lần hai) hủy cả hai bản án, giao hồ sơ vụ án cho TAND quận Phú Nhuận xét xử sơ thẩm lại.

Sau khi bị hủy án, lúc này bà Trình rút đơn khởi kiện nên tháng 8-2012 TAND quận Phú Nhuận ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

Bị đơn khởi kiện, trở thành nguyên đơn

Tháng 11-2012, bà Hạnh khởi kiện lại vợ chồng bà Trình, yêu cầu tòa công nhận căn nhà 118A Phan Xích Long là tài sản chung theo phần, bà và mẹ bà 50%, vợ chồng bà Trình được 50% giá trị căn nhà. Bà đề nghị tòa buộc chồng bà Trình và thừa kế của bà Trình (do bà Trình chết năm 2015) giao một nền tái định cư và trả lại 1/2 tiền bổ sung giá trị đền bù và hỗ trợ thiệt hại.

Tháng 4-2018, TAND quận Phú Nhuận xử sơ thẩm (tạm gọi là lần một phẩy) và tuyên chấp nhận một phần yêu cầu của bà Hạnh, công nhận căn nhà là tài sản chung theo phần. Theo đó, tòa chia mẹ con bà Hạnh được 41,18% (tương đương với bảy lượng vàng), vợ chồng bà Trình được chia 58,82% (tương đương với 10 lượng vàng). Tòa buộc chồng bà Trình và những người thừa kế của bà Trình hoàn trả cho mẹ con bà Hạnh hơn 8,8 tỉ đồng.

Sau đó, cả hai bên đều kháng cáo. Ngày 17-9-2018, TAND TP.HCM mở phiên xử phúc thẩm (lần một phẩy). Lần này HĐXX phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao về cho cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục chung.

Và sắp tới đây, không biết TAND quận Phú Nhuận sẽ xét xử như thế nào, phán quyết ra sao. Chúng tôi sẽ theo dõi và tiếp tục đưa tin về vụ án kỳ lạ này.

Lập luận lẽ ra nên có từ 15 năm trước

Tại phiên tòa phúc thẩm lần một phẩy, TAND TP.HCM cho rằng lời khai còn nhiều mâu thuẫn nên cần cho đối chất. Mặt khác, để có đủ căn cứ xác định bà Hạnh có đứng tên giùm hay không cần xác minh, thu thập chứng cứ năm 1990 vợ chồng ông Cường, bà Trình có thuê một căn nhà khác hay không? Có thuộc diện được mua nhà hóa giá của Nhà nước hay không? Tại sao vợ chồng bà Trình và mẹ con bà Hạnh cùng mua nhà nhưng chỉ một mình bà Hạnh đứng tên? Nếu có việc hùn vốn mua nhà thì mục đích mua nhà để làm gì?

Mặt khác, quá trình giải quyết vụ án, bà Trình chết năm 2015 nhưng cấp sơ thẩm chưa xác định hàng thừa kế thứ nhất của bà Trình, trách nhiệm của từng người trong việc hoàn trả cho mẹ con bà Hạnh trong phạm vi di sản của bà Trình... Từ đó HĐXX phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao về cho cấp sơ thẩm (là TAND quận Phú Nhuận) giải quyết lại theo thủ tục chung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm