Theo hồ sơ, năm 2013 ông S. khởi kiện ông C. ra TAND huyện Tây Hòa để tranh chấp nhà đất của ông bà nội để lại (trị giá 300 triệu đồng). Ông S. yêu cầu tòa hủy bản di chúc lập từ tháng 12-1999 của bà nội ông (có nội dung giao toàn bộ nhà ở gắn liền với đất cho ông C.), hủy giấy đỏ mà UBND huyện Tây Hòa đã cấp cho ông C. Ông S. cũng cung cấp cho tòa biên bản họp hội đồng gia tộc lập từ tháng 2-1989 do bà nội ông chủ trì (có nội dung giao nhà đất cho cha mẹ ông ở, tu sửa, tiếp tục hương khói ông bà...). Từ đó, ông S. yêu cầu tòa giao nhà đất cho gia đình ông quản lý, sử dụng.
Xử sơ thẩm, TAND huyện Tây Hòa đã bác yêu cầu của ông S. Ông S. kháng cáo.
Mới đây, TAND tỉnh Phú Yên xử phúc thẩm nhận định: Về tố tụng, cấp sơ thẩm chưa đưa những người có liên quan đến nội dung bản di chúc lập tháng 12-1999 vào tham gia tố tụng, chưa lấy lời khai của những cán bộ xã đã xác nhận, chứng thực di chúc. Về nội dung, cấp sơ thẩm chưa tiến hành đối chất để làm rõ giá trị pháp lý của bản di chúc trong trường hợp các bên đương sự có tranh chấp... Cấp sơ thẩm chưa xem xét phần công sức duy trì, bảo quản di sản của vợ chồng ông S. cũng như nhu cầu chỗ ở của các bên khi giải quyết vụ án cho phù hợp, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các đương sự. Từ đó, TAND tỉnh đã hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại.