Biến thể BA.5 của Omicron có đáng sợ?

(PLO)- Người dân đi tiêm các mũi nhắc lại theo khuyến cáo của Bộ Y tế là điều cần thiết để phòng chống các biến thể mới xâm nhập.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thông tin về tình hình dịch trong nước và thế giới, GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết trên thế giới số ca mắc COVID-19 hiện tăng 8%, tử vong giảm 3%. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đang lo ngại đợt bùng phát mới trong mùa hè.

Biến thể BA.5 của Omicron có đáng sợ?

Trên thế giới số ca mắc chưa ổn định, lúc tăng, lúc giảm, không đồng đều giữa các khu vực. Khu vực châu Phi có sự gia tăng số ca mắc, tử vong, khu vực Tây Thái Bình Dương gia tăng ca tử vong.

Người dân TP.HCM tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: NGUYỆT NHI

Người dân TP.HCM tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: NGUYỆT NHI

Biến thể phụ BA.5 lây lan nhanh hơn biến thể BA.1 và BA.2

Ông Lân cũng thông tin nếu trước đây chỉ lưu hành chủ yếu hai biến thể phụ của Omicron là BA.1, BA.2 thì đến nay một số nước ở châu Âu và Mỹ đã xuất hiện biến thể phụ BA.4, BA.5 và bắt đầu có sự gia tăng về số ca mắc.

Theo cục trưởng Cục Y tế dự phòng, hiện nay thế giới vẫn đang tiếp tục đánh giá về tính lây lan của hai biến thể phụ mới BA.4, BA.5. Tuy nhiên, một số đánh giá nhỏ lẻ ban đầu cho thấy hai biến thể phụ này lây lan nhanh hơn biến thể BA.1 và BA.2.

Về khả năng gây bệnh nặng, hiện chưa có bằng chứng cụ thể, tuy nhiên một số nghiên cứu cho thấy có biểu hiện tăng nặng tại khu vực châu Phi. Dù vậy, để có bức tranh tổng thể cần thêm nghiên cứu tại châu Âu, châu Mỹ. Hiện các nước vẫn cần tiếp tục duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vaccine, giám sát trọng điểm…

Về tình hình dịch COVID-19 trong nước, ông Lân cho biết Việt Nam hiện đã có sự xâm nhập biến thể BA.5 của Omicron. Với sự xuất hiện của biến thể mới có thể có nguy cơ lấn át biến thể cũ BA.1 và BA.2.

Khi chưa khống chế hoàn toàn được dịch COVID-19 và vẫn còn nguy cơ xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-COV-2, liều tiêm nhắc lại thực sự cần thiết giúp duy trì khả năng bảo vệ trước nguy cơ mắc bệnh, chuyển bệnh nặng và tử vong.

Theo các chuyên gia, việc xâm nhập này là tất yếu vì các nước ở châu Âu, Mỹ cũng đã ghi nhận, với sự giao lưu đi lại như hiện nay thì điều này là bình thường. Hiện tại, Việt Nam vẫn duy trì đà giảm số ca mắc mới, tỉ lệ chết/mắc rất thấp, lưu hành chủ yếu là biến thể phụ BA.2 của biến thể Omicron với biểu hiện lâm sàng nhẹ.

Hiện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bổ sung hai biến thể phụ BA.4, BA.5 vào danh mục các biến thể cần giám sát trong khi cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) liệt hai dòng phụ này vào danh mục các biến thể đáng lo ngại.

Tại Việt Nam, từ khi dịch bùng phát đến nay đã ghi nhận hơn 43.000 trường hợp tử vong do COVID-19. Trong đó, 52,8% số ca tử vong là chưa tiêm vaccine, 29,8% đã tiêm một mũi hoặc hai mũi và chỉ có 7,3% đã tiêm ba mũi.

Hiệu quả bảo vệ của vaccine phòng COVID-19 trên 50%

Bộ Y tế cho biết để ngăn ngừa và phòng chống dịch COVID-19, WHO và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ khuyến cáo tiêm nhắc lại vaccine phòng COVID-19. Các nghiên cứu trên thế giới đã ghi nhận hiệu quả bảo vệ của mũi tiêm cơ bản vaccine phòng COVID-19 giảm dần theo thời gian trong vòng sáu tháng sau khi tiêm và trong điều kiện xuất hiện các biến thể mới.

Đối với biến thể Omicron, hiệu quả bảo vệ giảm rất nhanh do nồng độ kháng thể cần thiết để trung hòa virus ở mức cao hơn so với các biến thể virus SARS-CoV-2 trước đây. Do vậy những người đã tiêm mũi cơ bản nếu không tiêm mũi nhắc lại vẫn có nguy cơ mắc bệnh.

PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết người đã từng mắc COVID-19 vẫn có khả năng bị tái nhiễm và mắc các biến chứng của bệnh, bao gồm cả trẻ em và người lớn. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy người tái nhiễm vẫn có nguy cơ mắc bệnh mức độ nghiêm trọng và phải điều trị hồi sức tích cực.

Tiêm mũi nhắc vaccine COVID-19 sẽ làm gia tăng nồng độ kháng thể bảo vệ, qua đó giúp cơ thể được bảo vệ trước nguy cơ mắc COVID-19, giảm tỉ lệ nhập viện, giảm số ca tiến triển bệnh nặng và tử vong do dịch COVID-19.

Theo kết quả của một số nghiên cứu gần đây, những người đã tiêm vaccine liều cơ bản và bị mắc COVID-19, miễn dịch bắt đầu giảm ở tuần 10-19 sau tiêm. Nếu những người này được tiêm nhắc lại vaccine phòng COVID-19 thì sẽ khôi phục khả năng miễn dịch, duy trì hiệu lực bảo vệ trước nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2.

Việc tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vaccine phòng COVID-19 là cần thiết nhằm bảo vệ người đi tiêm không bị mắc bệnh, đặc biệt là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do dịch COVID-19 trong điều kiện xuất hiện các biến thể mới.

Nhấn mạnh vai trò của vaccine phòng COVID-19, TS-BS Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết các bằng chứng khoa học cho đến nay đã chỉ ra rằng hiệu quả bảo vệ của vaccine phòng COVID-19 là trên 50%.•

Vaccine phòng COVID-19 vẫn có hiệu lực với biến thể Omicron

Biến thể BA.5 vẫn là của biến thể Omicron với sự lây lan nhanh, mạnh hơn các biến thể BA.1, BA.2. Dù biến thể phụ này lây lan nhanh nhưng thực tế, số ca mắc nặng không quá cao, không gây quá tải hệ thống y tế. Vaccine phòng chống dịch COVID-19 hiện nay vẫn có hiệu lực đối với biến thể Omicron. Vì vậy, việc người dân đi tiêm các mũi nhắc lại theo khuyến cáo của Bộ Y tế là điều cần thiết để phòng chống các biến thể mới xâm nhập này.

Do vaccine phòng COVID-19 miễn dịch không bền vững, sau một thời gian miễn dịch giảm nên sau khi tiêm hai mũi vaccine liều cơ bản, người dân nên tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại để kích thích hệ thống miễn dịch.

PGS-TS TRẦN ĐẮC PHU, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm