Biến thể Delta thách thức chiến lược chống dịch của Trung Quốc

Hiện Trung Quốc (TQ) đang chứng kiến làn sóng COVID-19 nghiêm trọng nhất kể từ khi dập thành công ổ dịch tại TP Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc), ổ dịch đầu tiên của thế giới, hồi năm ngoái. Hôm 1-8, Thời báo Hoàn Cầu đã cảnh báo rằng biến thể Delta đang thách thức thành quả chống dịch mà khó khăn lắm TQ mới đạt được trước đó.

TP Nam Kinh (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) tổ chức xét nghiệm trên diện rộng sau khi phát hiện các ca nhiễm biến thể Delta lây nhiễm trong cộng đồng.
Ảnh: REUTERS

Số ổ dịch, số ca nhiễm biến thể Delta tăng nhanh

Ca nhiễm biến thể Delta đầu tiên ở TQ được phát hiện tại TP Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông) từ ngày 21-5. Tuy nhiên, số ca nhiễm biến thể Delta tăng mạnh trong thời gian từ ngày 21-7 đến 4-8, với 545 ca nhiễm biến thể Delta trong cộng đồng.

Tính tới ngày 4-8, ít nhất 17 tỉnh, thành của TQ đã ghi nhận ca lây nhiễm cộng đồng với 144 khu vực có nguy cơ trung bình hoặc cao, theo đài CGTN. Trong đó, nhiều nhất là chùm ca nhiễm xuất phát từ sân bay ở Giang Tô khi tỉnh này chiếm tới 402 ca bệnh, theo hãng tin Bloomberg. Chính quyền Nam Kinh (tỉnh Giang Tô) đã đóng cửa các rạp chiếu phim, phòng gym, quán bar.

TP Vũ Hán đã tổ chức xét nghiệm cho toàn bộ 12 triệu dân sau khi phát hiện các ca nhiễm biến thể Delta đầu tiên hôm 2-8, đánh dấu trường hợp lây nhiễm cộng đồng đầu tiên ở địa phương này kể từ giữa tháng 5 năm ngoái.

TP du lịch Trương Gia Giới (tỉnh Hồ Nam) đang có nguy cơ trở thành ổ “siêu lây nhiễm” khi thủ đô Bắc Kinh và nhiều tỉnh, thành khác phát hiện ca bệnh thứ phát. Hai TP Trương Gia Giới và Chu Châu (cùng thuộc tỉnh Hồ Nam) đã yêu cầu 5,4 triệu dân không được rời khỏi địa phương, hạn chế ra khỏi nhà, tương tự những gì Vũ Hán đã làm hồi năm ngoái. Thủ đô Bắc Kinh cũng hạn chế dịch vụ đường sắt và tàu điện ngầm sau khi phát hiện ba ca nhiễm hôm 4-8.

Hoạt động giao thông công cộng và taxi đã bị hạn chế ở các vùng nguy cơ, hàng loạt chuyến bay nội địa cũng bị hủy. Giới chức TQ kêu gọi người dân hủy bỏ các chuyến công tác và du lịch. Ngày 5-8, Bộ Giáo dục TQ thông báo lịch học tập cho năm học mới sẽ được điều chỉnh tùy theo diễn biến dịch bệnh và học sinh - sinh viên sống ở các vùng nguy cơ sẽ đến trường muộn hơn.

Trung Quốc trước áp lực phải đổi chiến lược chống dịch

Trong đợt dịch hồi đầu năm ngoái, TQ đã áp dụng biện pháp phong tỏa trên diện rộng với các hình thức kiểm soát di chuyển nghiêm ngặt, ảnh hưởng tới hơn 60 triệu dân và làm đình trệ kinh tế. Dù các hoạt động kinh tế nội địa trở lại bình thường vào tháng 3-2020, đợt phong tỏa này đã dẫn tới giai đoạn suy thoái nghiêm trọng nhất của TQ trong nửa thế kỷ qua, theo hãng tin AP.

Thời điểm này xuất hiện nhiều ý kiến xung quanh chuyện TQ có nên thay đổi chiến lược chống dịch. Các ý kiến này được đưa ra trước thực tế biện pháp phong tỏa đã gây hậu quả nặng nề với kinh tế và điều kiện chống dịch của TQ thời điểm này có khác trước - vaccine đã có và TQ đã tiêm chủng diện rộng. Theo thống kê của Bloomberg, tính đến sáng 6-8, TQ đã triển khai tiêm hơn 1,726 tỉ liều vaccine.

TS Hoàng Diên Trung, chuyên gia y tế tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR - Mỹ), lo ngại rằng chiến lược ngăn chặn “cực kỳ tốn kém” này của TQ khó duy trì hiệu quả trong dài hạn, đặc biệt với biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao, chu kỳ lây nhiễm ngắn đã thâm nhập sâu vào cộng đồng.

BS Trương Văn Hoành, Trưởng Khoa bệnh truyền nhiễm của BV Hoa Sơn (TP Thượng Hải), nêu ra câu hỏi liệu TQ có cần điều chỉnh chiến lược thay vì nhất quyết phải đẩy số ca nhiễm mới về mức 0. Tương tự, TS Trần Hy, chuyên gia kinh tế tại ĐH Y tế công cộng Yale (Mỹ), cho rằng TQ nên chuyển hướng sang đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng và điều trị các ca nhiễm trong khi vẫn cho phép các hoạt động kinh tế và du lịch.

Các chuyên gia này cho rằng TQ có thể học hỏi mô hình chống dịch của Israel hay Anh, những nước khôi phục kinh tế sau khi bao phủ vaccine tới phần lớn dân số, bao gồm việc chấp nhận các loại vaccine của các hãng dược phương Tây. Ông Trương lưu ý rằng dù số ca nhiễm mới vẫn ở mức cao, tỉ lệ ca bệnh nặng hay tỉ lệ tử vong do COVID-19 ở Israel và Anh vẫn là “khiêm tốn”.

Hồi tháng 6, cựu Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh TQ (CCDC), ông Phùng Tử Kiện, nhấn mạnh rằng việc TQ có thay đổi chiến lược chống COVID-19 hay không phụ thuộc phần lớn vào tỉ lệ tiêm chủng và cần trải qua tham vấn để nhận được sự đồng thuận về chính trị và xã hội, theo tờ The Wall Street Journal.

Thời báo Hoàn Cầu hôm 5-8 nhấn mạnh rằng TQ đang điều chỉnh các biện pháp chống dịch nhưng vẫn cố gắng khống chế để hạn chế nguy cơ lây nhiễm xuống “mức thấp nhất và phạm vi nhỏ nhất”, nhất quyết không để xảy ra tình trạng hàng ngàn ca nhiễm, hàng trăm ca tử vong mỗi ngày.•

TQ đang lên kế hoạch tiêm tăng cường cho những người đã tiêm đủ hai liều và vaccine được nhắm tới là sản phẩm của công ty công nghệ sinh học Đức BioNTech - đơn vị phát triển loại vaccine ARN thông tin (mRNA) - hãng thông tấn Tài Tân cho biết hồi giữa tháng 7. 

Ông Tập cam kết cung cấp cho các nước 2 tỉ liều vaccine ngừa COVID-19

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình hôm 5-8 đã hứa hẹn rằng chính quyền Bắc Kinh sẽ cung cấp 2 tỉ liều vaccine ngừa COVID-19 cho các nước khác trong năm 2021, tờ South China Morning Post đưa tin.

Theo một thông cáo của Bộ Ngoại giao TQ, ông Tập cam kết rằng “TQ sẽ tiếp tục làm hết mình để hỗ trợ các nước đang phát triển đối phó đại dịch”. Bắc Kinh cũng thông báo sẽ ủng hộ 100 triệu USD (gần 2.293 tỉ đồng) cho sáng kiến phân phối vaccine toàn cầu COVAX. Trước đó, tại Hội nghị Y tế toàn cầu hồi tháng 5, ông Tập đã cam kết cung cấp 300 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 80 nước trên khắp thế giới, góp 2 tỉ USD (khoảng 45.862 tỉ đồng) viện trợ chống COVID-19 và khôi phục kinh tế sau đại dịch.

TQ có hai loại vaccine ngừa COVID-19 đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép sử dụng khẩn cấp, là sản phẩm của các hãng Sinopharm và Sinovac. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm