Ngày 2-3, trao đổi với PLO, ông Trần Văn Vinh, Chi cục phó Chi cục thủy sản tỉnh Bình Định cho biết Sở NN&PTNT đã ban hành quy trình kiểm soát rác thải trên tàu cá, áp dụng đối với tất cả tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên hoạt động ở vùng khơi; đồng thời khuyến khích áp dụng thí điểm đối với tàu cá từ 12 m đến dưới 15 m hoạt động ở vùng lộng.
Theo đó, các tàu cá khai thác xa bờ của tỉnh Bình Định thực hiện quy trình kiểm soát, thu gom, mang rác thải nhựa về bờ sau mỗi chuyến khai thác. Rác thải trên tàu được thu gom, vận chuyển đến nơi tái chế, ngư dân được chi trả kinh phí thu gom rác tương đương. Từ tháng 3-2024, các tàu cá dài trên 15 m của ngư dân Bình Định áp dụng quy trình kiểm soát rác thải nhựa trên biển.
Theo ông Vinh, việc áp dụng quy trình này đối với tàu cá nhằm hướng tới giảm thiểu rác thải nhựa đại dương trong hoạt động khai thác thủy sản, từng bước quản lý rác thải nhựa đại dương theo tiếp cận từ đầu nguồn tới địa dương, kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh.
Tỉnh Bình Định đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% tàu cá khai thác xa bờ của tỉnh này thực hiện thu gom rác thải nhựa trên biển. Đồng thời nâng cao nâng cao nhận thức cộng đồng ngư dân, các doanh nghiệp hoạt động nghề cá.
Theo Sở NN&PTNT Bình Định, tỉnh này có khoảng 3.200 tàu cá dài trên 15 m, hoạt động ở vùng khơi. Bình quân, mỗi chuyến biển, đội tàu của Bình Định thải ra biển khoảng 4 tấn rác thải nhựa.