Bình Dương khởi tố 133 người liên quan đến ‘tín dụng đen’

(PLO)- Công an tỉnh Bình Dương đã đẩy mạnh trấn áp tội phạm liên quan đến ‘tín dụng đen’ và loại tội phạm này đã co cụm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 11-12, Công an tỉnh Bình Dương tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen".

tín dụng đen (6).jpg
tín dụng đen (8).jpg
Tháng 1-2024 phòng Cảnh sát hình sự đã bắt giữ chủ một tiệm cầm đồ vì có hành vi cho vay lãi nặng.

Theo thượng tá Trần Minh Nhựt, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Bình Dương), giai đoạn 5 năm từ năm 2019 đến ngày 14-4-2024, Công an tỉnh Bình Dương đã phát hiện, triệt xóa 74 vụ, 148 đối tượng về các hành vi liên quan đến “tín dụng đen”.

Trong đó, đã khởi tố 50 vụ, 91 bị can xử lý về hành vi “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Công an còn khởi tố 9 vụ, 42 bị can vụ liên quan “tín dụng đen” như: cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, làm nhục người khác... (15 vụ, 15 đối tượng không đủ định lượng khởi tố).

Trong số 74 vụ phát hiện, xử lý có 60 vụ là do các băng nhóm từ tỉnh, thành phố trên cả nước đến gây án.

tín dụng đen (2).jpg
tín dụng đen (1).jpg
Một băng nhóm cho vay lãi nặng đã bị lực lượng công an tỉnh Bình Dương bắt giữ vào tháng 11-2023.

Cũng theo thượng tá Trần Minh Nhựt, ngoài công tác đấu tranh liên quan đến các băng nhóm “tín dụng đen”. Công an tỉnh Bình Dương còn phối hợp với các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, để nhân dân lên án, cảnh giác, tự mình có ý thức phòng ngừa không tham gia, mắc phải bẫy tín dụng đen, tôn trọng pháp luật.

Bị trấn áp mạnh, các băng nhóm hoạt động cho vay lãi nặng có biểu hiện co cụm hoặc chuyển sang các địa bàn giáp ranh. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh Bình Dương không còn dịch vụ thu hồi nợ.

Theo đánh giá, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” diễn biến hết sức phức tạp, xuất hiện một số người có thường trú ngoài tỉnh Bình Dương hoạt động cho vay nhỏ lẻ, kinh doanh cầm đồ.

Ngoài ra, còn phát hiện hoạt động cho vay số tiền lớn thông qua quan hệ quen biết ngụy trạng dưới nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi nổi lên là như cho vay bằng các hợp đồng “giả cách”, ủy quyền, hợp đồng mua bán tài sản...

Hệ lụy của “tín dụng đen” đã làm phát sinh nhiều loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật như: giết người, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và các hành vi đe dọa, gây rối trật tự công cộng… gây thiệt hại rất lớn cho người dân, doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm