Ngày 27-10, đại diện Sở GTVT tỉnh Bình Dương cho biết theo đề xuất của UBND TP Thủ Dầu Một thì tuyến Bạch Đằng nối dài sẽ tiếp tục thi công đến ngày 31-12 mới chính thức hoàn thành.
Đầu đoạn đường mới dựng biển thông báo cho người dân biết để lưu thông theo hướng khác. Ảnh: LA |
Theo đơn vị này, UBND TP Thủ Dầu Một đã có tờ trình lên UBND tỉnh Bình Dương về việc tiếp tục gia hạn tiến độ thực hiện công trình đường Bạch Đằng nối dài đến ngày 31-12. Việc này đã được UBND tỉnh chấp nhận.
Cụ thể, việc gia hạn để tiếp tục thi công xây dựng hạng mục điều chỉnh thiết kế, bổ sung một số nội dung thuộc trường Sĩ quan Công Binh.
Theo ghi nhận, hai đầu tuyến đường này được các rào chắn không cho các phương tiện qua lại. Đoạn giao giữa đường Bạch Đằng và đường Ngô Quyền để biển thông báo, công trình đang thi công cấm các phương tiện qua lại, dự kiến thông xe trước ngày 31-12
Đường Bạch Đằng nối dài nằm trong tổng thể dự án Phố đi bộ Bạch Đằng được khởi công từ tháng 8-2017, có diện tích hơn 2,4 ha, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020 nhưng do dịch bệnh nên bị đình trệ.
Đây là tuyến đường được đánh giá là đẹp nhất, mặc dù ngắn nhưng số vốn đầu tư lớn. Ảnh: HT |
Chỉ với chiều dài đoạn đường 762 m nhưng tổng vốn đầu tư lên đến hơn 650 tỉ đồng. Tuyến đường này nối từ giao lộ Bạch Đằng-Ngô Quyền (phường Phú Cường) chạy dọc sông Sài Gòn, qua gầm cầu Phú Cường và kết thúc tại giao lộ Huỳnh Văn Cù - Nguyễn Văn Cừ (phường Chánh Mỹ).
Công trình có công viên đi bộ rộng 15 m chạy dọc bờ sông Sài Gòn với nhiều cây xanh, hạng mục tiểu cảnh, hệ thống thoát nước, đèn đường chiếu sáng và đèn trang trí hiện đại.
Trước đó, để kịp cho lễ khánh thành vào ngày 2-9 đơn vị thi công đã đẩy nhanh tiến độ, gấp rút hoàn thành các hạng mục để tuyến đường đi vào sử dụng. Tuy nhiên, đến ngày 2-9, UBND TP Thủ Dầu Một chỉ tổ chức khánh thành Chợ đêm và Phố đi bộ Bạch Đằng (chưa khánh khánh tuyến đường như dự kiến).
Tuyến đường này không chỉ mang ý nghĩa là phố đi bộ phục vụ giải trí cho người dân mà góp phần giải quyết phần nào áp lực giao thông trên con đường (Huỳnh Văn Cù) huyết mạch nối với TP HCM, với lưu lượng phương tiện lưu thông lớn, thường xuyên kẹt xe vào giờ cao điểm.