Bình Phước giúp dân thoát nghèo bền vững

Toàn tỉnh Bình Phước hiện có hơn 997.000 nhân khẩu đang sinh sống, trong đó đồng bào thiểu số có hơn 193.000 nhân khẩu (chiếm 20,14% dân số toàn tỉnh). Tuy nhiên, tỉ lệ hộ nghèo tại tỉnh này còn khá cao, đa số là các hộ thuộc đồng bào dân tộc thiểu số.

Hơn 1.000 hộ thoát nghèo trong một năm

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng chính quyền tỉnh Bình Phước đã nỗ lực đẩy mạnh phát triển trên tất cả lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, xã hội... Trong đó đặc biệt chú trọng tìm mọi nguồn lực để hỗ trợ các chính sách giúp người dân tăng thu nhập, giúp các hộ nghèo có điều kiện thoát nghèo bền vững.

Cùng với sự chung tay của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực vươn lên của người dân, trong năm 2019 tỉnh Bình Phước đã huy động mọi nguồn lực để thực hiện chương trình giảm 1.000 hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Kết quả thực hiện đã vượt so với mục tiêu đề ra với 1.108 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo (vượt 111% kế hoạch). Tính cả nhiệm kỳ 2015-2020, toàn tỉnh đã giảm được gần 3,6% tỉ lệ hộ nghèo, tương đương với khoảng 8.000 hộ, đưa tỉ lệ hộ nghèo giảm từ hơn 6% năm 2016 xuống còn hơn 2,5% vào năm 2020.

Đến nay toàn tỉnh Bình Phước chỉ còn hơn 3.400 hộ nghèo. Đặc biệt, không còn tỉ lệ hộ nghèo thuộc đối tượng người có công với cách mạng.

Bà con dân tộc thiểu số huyện Bù Gia Mập nhận bò trong chương trình giảm 1.000 hộ nghèo tại Bình Phước. Ảnh: LÊ ÁNH

Thu ngân sách hơn 10.000 tỉ

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, các chỉ tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đề ra đều được Đảng bộ, nhân dân tỉnh Bình Phước triển khai thực hiện quyết liệt và hiệu quả.

Trong 15 nhóm chỉ tiêu cơ bản đề ra có tám nhóm chỉ tiêu vượt, sáu nhóm chỉ tiêu đạt và một chỉ tiêu gần đạt. Quy mô nền kinh tế đạt trên 68.000 tỉ đồng, tăng gấp 1,64 lần so với năm 2015. GRDP bình quân đầu người đạt 67,3 triệu đồng (tương đương 3.000 USD), gấp 1,54 lần so với năm 2015.

Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh thu hút đầu tư trong nước được 800 dự án với số vốn đăng ký là 50.000 tỉ đồng. Đầu tư nước ngoài là 146 dự án với số vốn đăng ký là 1,44 tỉ USD. Ngoài ra còn có 4.850 doanh nghiệp, 246 hợp tác xã được thành lập mới.

20 dự án, công trình trọng điểm đã được xây dựng để chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Điển hình như dự án nâng cấp, mở rộng bệnh viện đa khoa tỉnh từ 300 giường bệnh lên 600 giường bệnh; dự án xây dựng trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh cấp tỉnh…

Tỉnh cũng tổ chức trao nhà Đại đoàn kết cho nhân dân vùng sâu, vùng xa; tổ chức đại hội Thi đua yêu nước và các hoạt động chào mừng đại hội Đảng…

Dự kiến đại hội đảng bộ tỉnh Bình Phước sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 3-10-2020. 

Bên cạnh đó, tỉnh Bình Phước đã gắn kết chặt chẽ trong mọi hoạt động của xã hội, phát huy được các giá trị truyền thống, di sản văn hóa và lịch sử. Các thiết chế văn hóa ở cơ sở cũng được quan tâm xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt trong cộng đồng khu dân cư.

Quy mô giáo dục được tỉnh đầu tư mở rộng, mô hình và tổ chức bộ máy trường học cũng được sắp xếp lại cho hợp lý, toàn tỉnh hiện có 145/435 trường đạt chuẩn quốc gia.

Cùng với đó, các nhiệm vụ quốc phòng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, thế trận an ninh nhân dân và quốc phòng toàn dân được củng cố, nâng cao. Tình hình trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, không để bị động, xảy ra điểm nóng; các loại tội phạm cơ bản được kiềm chế. Tai nạn giao thông hằng năm đều giảm trên cả ba tiêu chí.

Bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, cho biết trong nhiệm kỳ vừa qua tỉnh Bình Phước đã có bước phát triển vượt bậc, thu ngân sách của tỉnh tăng gấp hai lần so với nghị quyết đề ra, tốc độ tăng thu bình quân đạt 22%/năm, ước tính năm 2020 đạt trên 10.000 tỉ đồng.

“Mặc dù quy mô phát triển kinh tế của tỉnh còn nhỏ hơn các tỉnh trong vùng. Tuy nhiên với những thành tựu đạt được đã thể hiện sự nỗ lực của không chỉ cả hệ thống chính trị mà còn là sự chung tay, góp sức của toàn bộ nhân dân tỉnh Bình Phước” - bà Minh nhấn mạnh.

Xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh

Bình Phước đã đề ra mục tiêu trong nhiệm kỳ 2020-2025 là xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Phấn đấu đến năm 2025, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp, thuộc nhóm các tỉnh phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá trong khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ.

Cùng với đó là nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tăng cường kết nối vùng; hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, từng bước chuyển sang chính quyền số; đảm bảo quốc phòng - an ninh vững chắc…

Để đạt những mục tiêu trên, Bình Phước đề ra 15 chỉ tiêu phát triển cơ bản. Trong đó nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 9%-10%; GRDP bình quân đầu người đạt trên 100 triệu đồng; thu ngân sách đạt 18.000-18.500 tỉ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 5 tỉ USD; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh cũng phấn đấu có 70% trường đạt chuẩn quốc gia; tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%; tạo 200.000 việc làm mới cho người lao động… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm