Lúc 10 giờ sáng 29-9 (giờ địa phương), một binh sĩ Triều Tiên đã đào tẩu sang Hàn Quốc, Reuters dẫn thông tin từ Bộ Tổng tham mưu quân đội Hàn Quốc.
Thông báo của Bộ Tổng tham mưu quân đội Hàn Quốc, binh sĩ Triều Tiên này không vũ trang, trốn qua đường phân giới nằm trong khu phi quân sự ngăn chia hai nước vốn có lính vũ trang canh gác rất nghiêm ngặt cùng mìn và nhiều lớp hàng rào kẽm gai. Binh sĩ này hiện đang được các quan chức quân đội Hàn Quốc thẩm vấn để xác định động cơ anh ta rời bỏ Triều Tiên.
Tháng 6-2015 cũng có một binh sĩ Triều Tiên trốn qua Hàn Quốc bằng cách băng qua khu phi quân sự. Người này sau đó nói với phía Hàn Quốc anh ta chọn cách đào tẩu sang Hàn Quốc vì không chịu nổi tình trạng đánh đập và lạm dụng trong quân đội Triều Tiên.
Binh sĩ Hàn Quốc tuần tra gần biên giới với Triều Tiên hồi tháng 1. Ảnh: AP
Vụ việc xảy ra trong thời điểm đặc biệt nhạy cảm trong quan hệ liên Triều, đặc biệt sau hai vụ thử hạt nhân thứ tư và thứ năm của Triều Tiên. Trong năm 2016 Triều Tiên có nhiều hành động phô diễn sức mạnh quân sự theo tần suất thường xuyên hơn mọi năm.
Vụ đào tẩu này là diễn biến mới nhất trong làn sóng dân, quân nhân và quan chức Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây. Chính quyền Bình Nhưỡng thậm chí đã cho tăng số lượng mìn rải tại khu vực DMZ để giảm bớt tình trạng đào tẩu.
Có thông tin một thiếu niên Triều Tiên sau khi sang Hong Kong tham gia một cuộc thi toán học hồi tháng 7 và trốn vào tị nạn ở Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc ở đây hiện đã được đưa về Hàn Quốc. Phía Hàn Quốc từ chối xác nhận hay bình luận về thông tin này.
Tháng 8 vừa rồi, Phó Đại sứ Triều Tiên tại Anh Thae Yong Ho đã đào tẩu khỏi Đại sứ quán Triều Tiên ở Anh. Tháng 4 vừa rồi, 12 tiếp viên Triều Tiên làm việc tại một nhà hàng ở Trung Quốc đã bỏ trốn sang Hàn Quốc. Tuy nhiên, phía Bình Nhưỡng một mực khẳng định rằng 12 tiếp viên này bị Hàn Quốc "bắt cóc".
Đã có gần 30.000 bỏ trốn từ Triều Tiên sang Hàn Quốc kể từ khi hai miền Triều Tiên đình chiến năm 1953. Mỗi năm trung bình có hơn 1.000 người Triều Tiên trốn sang Hàn Quốc. Phần lớn họ trốn qua ngả Trung Quốc, rồi sau đó mới vào Hàn Quốc. Người trốn trực tiếp qua ngả biên giới đường bộ hay đường biển với Hàn Quốc rất hiếm.
Chiến tranh Triều Tiên đang tạm ngừng vì một hiệp ước đình chiến chứ không phải một hiệp ước hòa bình, nghĩa là về mặt lý thuyết bán đảo Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Chia cắt hai miền Triều Tiên là khu phi quân sự rộng 4 km2.