Bình Thuận chịu trách nhiệm toàn diện về dự án hồ chứa nước Ka Pét

(PLO)- Tại Báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ viết: Tỉnh Bình Thuận chịu trách nhiệm toàn diện trước Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng về tiến độ thực hiện dự án hồ chứa nước Ka Pét.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện Dự án hồ chứa nước Ka Pét, tỉnh Bình Thuận.

Đã hoàn thành công tác kiểm kê đánh giá hiện trạng rừng

Cập nhật tình hình thực hiện dự án, Chính phủ cho biết công tác kiểm kê đánh giá hiện trạng rừng đã hoàn thành và được các ban, ngành liên quan của tỉnh Bình Thuận thẩm định.

ho-ka-pet-3603.jpeg
Phối cảnh đập thuỷ lợi hồ Ka Pét

Về trồng rừng thay thế, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo Sở NN&PTNT rà soát cụ thể từng vị trí nhằm đảm bảo diện tích trồng rừng cho toàn bộ hơn 1.844 ha diện tích cần trồng rừng thay thế của dự án và yêu cầu phải thực hiện trồng bằng các loài cây bản địa như dầu, sao đen…

Theo Chính phủ, hiện các đơn vị chủ rừng trên địa bàn toàn tỉnh đang khảo sát, rà soát quỹ đất lâm nghiệp đủ tiêu chí trồng rừng thay thế để đăng ký Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở triển khai trồng rừng đảm bảo hoàn thành cùng thời điểm hoàn thành Dự án hồ chứa nước Ka Pét vào cuối năm 2025.

Như vậy, so với phương án trồng rừng thay thế được báo cáo Quốc hội tại kỳ họp trước, tiến độ đã được đẩy lên sớm một năm (phương án trình Quốc hội trước đó chia làm ba giai đoạn, năm 2026 mới hoàn thành).

Liên quan đến công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án, Chính phủ dẫn ý kiến của Bộ TN&MT cho biết Bộ này chưa nhận được Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án. Bộ TN&MT sẽ xem xét, đánh giá cẩn trọng, kỹ lưỡng các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường trong quá trình thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án.

Còn theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường yêu cầu Báo cáo đánh giá tác động môi trường phải bổ sung thêm tài liệu mô hình ứng phó sự cố vỡ đập và đánh giá đa dạng sinh học do Dự án có tác động đến rừng trong khu bảo tồn.

Qua rà soát hồ sơ năng lực theo Nghị định số 08, đơn vị tư vấn lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường không đủ năng lực để tổ chức thực hiện hai mô hình nêu trên.

“Hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đã làm việc với nhà thầu và đi đến thống nhất chấm dứt hợp đồng”- báo cáo Chính phủ nêu.

Báo cũng cho biết Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Bình Thuận sẽ trình cấp thẩm quyền xin chủ trương lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực tiếp tục thực hiện các công việc liên quan để hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án đảm bảo đúng tiến độ.

Bình Thuận chịu trách nhiệm toàn diện

Cũng tại báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ khẳng định công tác khảo sát, lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đã thực hiện xong. Ngày 23-7-2023, UBND tỉnh Bình Thuận đã trình Bộ NN&PTNT thẩm định hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án tại Tờ trình số 2674/TTr-UBND.

Ngày 4-8-2023, Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ NN&PTNT) có văn bản số 1199 đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận rà soát, bổ sung hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án.

Hiện UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận và các sở, ban ngành có liên quan khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu của Cục Quản lý xây dựng công trình.

Ngoài ra, Chính phủ cũng báo cáo Quốc hội một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện dự án hồ chứa nước Ka Pét.

Đáng chú ý, tỉnh Bình Thuận đã thực hiện xong hồ sơ Báo cáo đánh giá tác động môi trường vào tháng 9-2020. Tuy nhiên, do dự án phải trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư nên chưa đủ cơ sở trình Bộ TN&MT thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Ngày 10-1-2022, Nghị định số 08 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường được ban hành thay thế Nghị định số 18/2015 quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.

Do đó, sau khi dự án được Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư thì phải tiến hành lập lại hồ sơ Báo cáo đánh giá tác động môi trường theo các biểu mẫu của Nghị định mới ban hành. Việc này đã làm ảnh hưởng đến thời gian phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường và thời gian quyết định đầu tư dự án.

Ngoài ra, sau phản ánh của dư luận vào đầu tháng 9, ngày 12-9 vừa qua, UBND tỉnh Bình Thuận làm việc với Bộ NN&PTNT và Ủy ban KH-CN&MT về dự án.

Ngày 21-9, UBND tỉnh Bình Thuận đã có Công văn gửi Ủy ban KH-CN&MT. Ngày 25-9, Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức hội nghị cán bộ nguyên lãnh đạo tỉnh báo cáo làm rõ thông tin báo chí đăng tải về việc Bình Thuận phá 600 ha rừng làm dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận…

Tại báo cáo Báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ cho biết tỉnh Bình Thuận “chịu trách nhiệm toàn diện trước Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng về tiến độ thực hiện dự án, hiệu quả đầu tư, chất lượng dự án, chuyển mục đích sử dụng rừng, trồng rừng thay thế đúng quy định, sử dụng vốn ngân sách nhà nước theo quy định đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm