Nhật ký viết giữa lõi rừng dự kiến làm hồ Ka Pét ở Bình Thuận

(PLO)- Cánh rừng này, nơi những năm tháng tuổi thơ của tôi đã ăn cá sông, uống nước suối trong rừng để lớn lên.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều mùng 4 - 9, tôi hay tin hơn 600ha rừng sông Móng – Ka Pét ở xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam phải nhường chỗ để làm dự án hồ chứa nước Ka Pét. Cánh rừng này, nơi những năm tháng tuổi thơ của tôi đã ăn cá sông, uống nước suối trong rừng để lớn lên. Cũng là những năm tháng tôi theo cha băng rừng, vượt suối trên những con đường rừng rậm rạp, bạt ngàn cây cối.

Tác giả vượt qua sông Bà Bích trong lõi rừng khi tham gia đoàn khảo sát của tỉnh Bình Thuận ngày 6-9. Ảnh CTV

Tác giả vượt qua sông Bà Bích trong lõi rừng khi tham gia đoàn khảo sát của tỉnh Bình Thuận ngày 6-9. Ảnh CTV

Bởi vậy, khi hay tin lấy rừng làm hồ chứa nước, tôi đã giật mình vì nơi đây được xem là một trong những khu vực “còn rừng” đúng nghĩa với hàng ngàn cây lim xanh trăm tuổi (và nhiều cây gỗ quý khác) mà nhiều người từng khen Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ka Pét gìn giữ.

Vài năm trước, tôi từng dạo hết một vòng cánh rừng lim xanh và mãn nhãn với rừng lim già, thân cây to phải vài người ôm mới xuể. Tôi bắt máy gọi cho một lãnh đạo ban quản lý rừng này và thở phào khi anh nói: “Vị trí dự án không phải là nơi có lim xanh đâu em!”.

Cây căm xe trăm tuổi không thuộc phạm vi làm dự án. Ảnh VT

Cây căm xe trăm tuổi không thuộc phạm vi làm dự án. Ảnh VT

Sáng mùng 6- 9, theo chân đoàn công tác của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận vào rừng và nhanh chóng được tiếp cận khu vực dự kiến ngăn đập để làm hồ thuỷ lợi.Đây là khu vực do Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ka Pét, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận và Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông quản lý.

Cách Trạm bảo vệ rừng Đèo Nam thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ sông Móng - Ka Pét không xa, người dẫn đoàn ra hiệu rẽ trái. Lúc đó tôi yên tâm rằng: không phải khu vực rừng lim xanh!

Đoàn khảo sát vào giữa rừng, nơi dự kiến làm lòng hồ, đưa flycam lên cao, toàn bộ khu rừng hiện ra xanh mướt. Con sông Bà Bích – nơi sẽ được chặn dòng bằng hai vai đập để chứa 51 triệu m3 nước lọt thỏm, bị che phủ bởi tán cây các loại.

Ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận dẫn đoàn khảo sát thực địa trong khu vực dự kiến làm lòng hồ Pa Két. Ảnh VT

Ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận dẫn đoàn khảo sát thực địa trong khu vực dự kiến làm lòng hồ Pa Két. Ảnh VT

Ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, trong hơn 600 ha dự kiến làm hồ thuỷ lợi thì có khoảng 132 ha là rừng đặc dụng. Phần còn lại là rừng hỗn giao, rừng sản xuất và đất sản xuất nông nghiệp.Cũng theo vị lãnh đạo ngành nông nghiệp này thì, trong rừng còn nhiều cá thể vượt trội (cây gỗ lớn) nhưng chiếm tỉ lệ nhỏ, chủ yếu vẫn là rừng hỗn giao.

Đổi rừng lấy hồ nước để cung cấp người dân vùng khô hạn hay giữ rừng lại cho thế hệ mai sau, đó vẫn đang là vấn đề được dư luận quan tâm và có những ý kiến trái chiều. Còn tôi, hơn ai hết từng là người Bình Thuận, cũng chịu cảnh thiếu nước do khô hạn và cũng là người gắn bó với rừng nhiều năm.

Tác giả tác nghiệp trong khu vực lõi rừng Sông Móng - Pa Két, xã Mỹ Thạnh, Hàm Thuận Nam. Ảnh CTV

Tác giả tác nghiệp trong khu vực lõi rừng Sông Móng - Pa Két, xã Mỹ Thạnh, Hàm Thuận Nam. Ảnh CTV

Đối với tôi, việc làm hồ tích nước hay giữ rừng đều ủng hộ khi đã có một nghiên cứu bài bản, cặn kỹ, đánh giá một cách toàn diện và thuyết phục. Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận trong buổi họp báo có hứa sẽ lắng nghe ý kiến góp ý của chuyên gia, nhà khoa học về dự án này.

Tôi mong, với tinh thần ấy không chỉ lãnh đạo tỉnh Bình Thuận mà các cơ quan liên quan cũng hãy chậm lại để rồi chắc, bởi khi mọi việc được thực hiện đúng quy định và đánh giá kỹ lưỡng mọi mặt thì ắt sẽ được dư luận đồng tình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm