Trong tuần qua, thông tin về việc tỉnh Bình Thuận chuyển hơn 600 ha rừng để làm hồ chứa nước Ka Pét nhằm giải quyết vấn đề an ninh nguồn nước cho khu vực đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc.
Tại cuộc họp báo ngày 7-9, ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, đã khẳng định: “Việc gì có lợi cho dân thì khó mấy cũng nên làm. Làm ở đây không phải là bất chấp, phá hoại mà làm theo khoa học, sẵn sàng tiếp thu ý kiến của dư luận nếu có gì bất cập phá vỡ môi trường sinh thái, tỉnh sẽ cầu thị tiếp thu chứ không che giấu, không làm bằng được”.
Một số bạn đọc cũng đồng tình nếu dự án được thực hiện dựa trên những phân tích khoa học và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Nhiều cái lợi cho dân từ dự án hồ chứa nước
Bạn đọc Sỹ Liên bình luận: “Làm dự án hồ chứa nước cũng có cái lợi và cái hại riêng, việc cân bằng là không dễ. Tuy nhiên, nhu cầu nguồn nước để phát triển kinh tế đất nước là cần thiết. Việt Nam có rừng nguyên sinh không còn nhiều nhưng mật độ phủ xanh của đất trên cả nước là rất lớn, do chúng ta là nước nông nghiệp. Các nhà làm kinh tế nhìn rõ sự cần thiết của hồ chứa nước Ka Pét để có nước phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt nên đã mất nhiều năm nghiên cứu trình Quốc hội thông qua dự án này. Bản thân tôi ủng hộ việc phát triển dự án này, dù nó có ảnh hưởng một phần đến hệ sinh thái rừng. Tuy nhiên, có thể thấy nhiều cái lợi cho người dân từ dự án này như có nước, nông nghiệp mới phát triển, dân ấm no hơn, địa phương còn làm được du lịch từ dự án này”.
Đoàn công tác của tỉnh Bình Thuận đi khảo sát dự án hồ chứa nước Ka Pét. Ảnh: VT |
“Ai đã từng sinh sống ở Bình Thuận thì mới biết được cảnh thiếu nước khổ như thế nào. Mỗi năm khi mùa mưa đến trễ, vật nuôi, hoa màu nơi đây khó sinh trưởng. Thế nên nếu dự án hồ chứa nước Ka Pét mang lại cuộc sống tốt hơn thì người dân rất ủng hộ, đồng tình” - bạn đọc Hạnh Tâm chia sẻ.
Bạn đọc Nguyễn Hữu Tài nêu: “Nếu việc thay thế rừng để làm hồ chứa nước có lợi cho người dân hơn thì nên làm. Một điều chắc chắn rằng nếu có được hồ chứa nước này thì khí hậu cả vùng này sẽ mát mẻ hơn khi chưa có hồ chứa nước. Việc tích nước và điều tiết lũ cũng hiệu quả. Mọi người đều biết trên đời này không có gì là toàn mỹ cả, cái quan trọng là khi làm chúng ta cần cân nhắc mặt tích cực nhiều hơn và không gây ra tiêu cực. Tôi tin rằng từ những lợi ích trên, người dân sẽ đồng thuận khi triển khai thực hiện dự án này”.
Phải chú trọng việc trồng lại rừng
Bạn đọc Hữu Khánh bình luận: “Nước rất quan trọng nhưng rừng cũng quan trọng không kém. Thế nên sau khi đã tính toán chuyện thiệt hơn thì cũng cần chú trọng đến việc tái tạo, trồng rừng lại. Theo thông tin từ tỉnh Bình Thuận, khi lấy 1 ha rừng thì sẽ trồng lại 3 ha rừng. Thế nhưng phải cần một thời gian dài để tái tạo diện tích rừng mới. Trong khi đó, rừng cũ có những loài cây phải mấy chục năm mới làm được chức năng của nó là giữ đất, chống sạt lở… Vì thế theo tôi, cũng cần nên xem xét nhiều phương án để tái tạo lại rừng như thế nào là tốt nhất”.
“Làm hồ chứa nước đồng nghĩa với việc chúng ta phải hy sinh rừng. Theo tôi, để đánh giá rừng thì cần có đầy đủ các chuyên gia về thực vật, động vật, vi sinh vật, đất, nước, khí... gọi là đa dạng sinh học. Vì nó là chuỗi tác động hệ sinh thái chứ không phải đơn thuần là môi trường chung chung. Mặt khác, khi cây rừng bị hạ thì nguồn gỗ sẽ được xử lý như thế nào, việc này phải được công khai để tránh tình trạng tiêu cực xảy ra khi thực hiện dự án hồ chứa nước. Có như thế người dân mới an tâm ủng hộ dự án” - bạn đọc Tuấn Hoàng nêu ý kiến.
Bạn đọc Thảo Hiền nêu: “Tại cuộc họp báo vừa qua, lãnh đạo các ban ngành liên quan của tỉnh Bình Thuận đã có những báo cáo rất đầy đủ, chi tiết về dự án. Điều này cho thấy trước khi dự án hồ chứa nước được thông qua đã có những phân tích đánh giá về những giá trị môi trường. Thế nhưng vẫn còn có ý kiến băn khoăn. Theo tôi, đó là do cách tuyên truyền, truyền thông chưa được đầy đủ của dự án về những lợi ích thiết thực mà dự án này mang lại cho người dân. Nếu dự án được đẩy mạnh về truyền thông để tất cả người dân được biết và hiểu một cách chính xác thì dự án sẽ được triển khai thuận lợi hơn”.
Hồ Ka Pét có thể cấp nước sinh hoạt cho 120.000 dân
Khu vực lòng hồ Ka Pét được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch thủy lợi từ năm 1995. Từ đó đến nay, quy hoạch này vẫn tiếp tục được duy trì. Tuy nhiên, do tỉnh Bình Thuận thiếu vốn nên đến năm 2015 mới bắt đầu xin các thủ tục để thực hiện và đến năm 2019 Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 93.
Trong quá trình triển khai thực hiện, do dịch COVID-19 và những điều kiện khác nên đến năm 2023 được Quốc hội quyết định điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 101/2023. Quy mô dự án gồm: Hồ điều tiết dung tích toàn bộ là 51,21 triệu m3 kèm hệ thống kênh và các công trình phụ trợ khác.
Hồ chứa nước Ka Pét có ý nghĩa rất lớn với tỉnh Bình Thuận. Hồ có thể tưới hơn 7.700 ha, cấp nước sinh hoạt cho 120.000 dân tại huyện Hàm Thuận Nam tại vùng phụ cận của TP Phan Thiết. Ngoài ra còn cấp nước cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm với 2,63 triệu m3/năm.
Do đó, công trình này là bắt buộc và cần thiết phải thực hiện và khi được Quốc hội thông qua, tỉnh Bình Thuận và người dân rất phấn khởi.
Ông LÊ THANH SƠN, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, trả lời trong buổi đi khảo sát dự án hồ chứa nước Ka Pét tại huyện Hàm Thuận Nam
PV