Bình Thuận: Đồng ruộng tan hoang vì khai thác đất sét lậu

(PLO)- Do được đầu nậu trả giá cao nên nhiều nông dân đã bán ruộng, vô tình tiếp tay cho đầu nậu phá nát cánh đồng với tốc độ chóng mặt.

Video: Bình Thuận: Đồng ruộng tan hoang vì khai thác đất sét lậu

Hàng trăm hecta đất lúa ở xã Gia An, huyện Tánh Linh, Bình Thuận được các đầu nậu mua lại từ người dân để đào đất sét bán cho lò gạch. Việc khai thác đất này không được cấp phép nhưng hàng chục xe ben vẫn ngang nhiên chở đất lưu thông trên tỉnh lộ 720.

Cánh đồng lúa ở xã Gia An biến thành công trường khai thác đất sét lậu. Ảnh: VÕ TÙNG

Biến đồng lúa thành “đại công trường”
Theo ghi nhận của PV, hàng chục xe máy cuốc liên tục đào bới trên cánh đồng lúa nằm sát hồ Biển Lạc thuộc địa bàn xã Gia An. Đất sét nhanh chóng được chất đầy lên hàng dài xe ben đợi sẵn. Khi xe này vừa lăn bánh hướng về các lò gạch thì lập tức có xe khác thế chỗ để chở đất. Đến 12 giờ trưa, “đại công trường” đất sét lậu vẫn nhộn nhịp xe ra vào.

Còn tại khu vực Cầu Treo (cũng thuộc xã Gia An) dàn xe cuốc, xe ben hoạt động nườm nượp, nhiều ruộng lúa đã biến thành ao hồ khổng lồ. Tại đây, sau khi cạp hết lớp đất sét bề mặt khoảng 1,5 m, các đầu nậu đưa tàu hút cát công suất lớn tới để khai thác.

Cánh đồng lúa hàng trăm hecta trù phú ngày nào giờ đây hiện ra chằng chịt những vết loang nham nhở, bụi mù mịt. Diện tích trồng lúa bị thu hẹp từng ngày. Anh CPB (một người dân địa phương) cho biết trước đây đầu nậu tập trung đào đất sét quanh hồ Biển Lạc. Sau này khi nguồn đất sét cạn kiệt, họ bắt đầu thu mua lại diện tích đất lúa trong dân để tiếp tục lấy đất, hút cát.

“Nếu ai không bán ruộng thì họ cho máy cuốc đào xung quanh khiến ruộng lúa bị ngập sâu hoặc bít đường vào ruộng. Thửa ruộng của nông dân bị cô lập, canh tác khó khăn. Dần dà cũng phải bán cho họ vì chẳng còn cách nào khác” - anh B bức xúc.

Khi chúng tôi nêu câu hỏi vì sao việc khai thác đất sét trái phép, xâm hại nghiêm trọng diện tích đất trồng lúa diễn ra công khai, công nhiên như vậy, ông Phạm Ly Kha, Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Tánh Linh, cho biết: “Thực tế có việc người dân đào lớp mặt khoảng 30 cm để cải tạo những thửa ruộng cao nhằm mục đích hạ mặt bằng để tiện lấy nước canh tác”.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, những nơi đào bới ngổn ngang ruộng biến thành ao hồ thì sau khi xe cuốc rút đi, nhà nông không thể canh tác lúa nữa. Thực tế do được đầu nậu trả giá cao nên nhiều nông dân đã bán ruộng, vô tình tiếp tay cho đầu nậu phá nát cánh đồng với tốc độ chóng mặt.

Đồng ruộng thành ao hồ lớn không thể trồng lúa trở lại. Ảnh: VÕ TÙNG

Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xử lý

Theo ghi nhận của chúng tôi, mỗi chuyến xe ben (loại ba chân) chở 12-14 m3 đất sét lậu, các chủ lò gạch thu mua với giá 950.000 đồng. Mức giá này khá rẻ nên rất được các chủ lò gạch quanh vùng ưa chuộng.

Hằng ngày có đến hơn 500 lượt xe ben hối hả chở đất sét từ các cánh đồng về phía hàng chục lò gạch nằm dọc tỉnh lộ 720 để tiêu thụ. Bất chấp quy định, những “hung thần” này không phủ bạt, chạy tốc độ cao, gây kinh hoàng cho người dân địa phương. Đáng nói là đa số xe này đã hết hạn đăng kiểm nhưng vẫn lưu thông với tốc độ cao.

Một người dân sống ven tỉnh lộ 720 cho biết: “Chỉ cần mở mắt ra là chứng kiến đoàn xe ben bấm còi inh ỏi, lao vun vút như chốn không người. Các xe làm vương vãi đất ra đường, bụi mù mịt, nguy cơ tai nạn giao thông luôn rình rập người dân”.

Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM về tình trạng đầu nậu khai thác trái phép đất sét, ông Giáp Hà Bắc, Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh (Bình Thuận), cho biết chính quyền đã có nhiều quyết định xử phạt hành vi đào ruộng lấy đất sét. “Dù đã xử phạt nhưng nhiều người vẫn lén lút khai thác. Chúng tôi sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc để tiếp tục xử lý” - ông Bắc khẳng định. Ông Bắc nhấn mạnh thêm: Việc sử dụng đất trồng lúa vào mục đích không được phép là hành vi bị nghiêm cấm và phải bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới