Theo UBND tỉnh Bình Thuận, thời gian vừa qua tại trạm thu giá Sông Phan, người dân và các phương tiện tham gia giao thông tụ tập, phản đối bằng nhiều hình thức như sử dụng tiền mệnh giá thấp, đưa xe vào khu vực cabin thu phí rồi bỏ đi, chặn ở 2 đầu tuyến cách trạm khoảng 300 m sau đó kéo đến trạm gây ùn tắc giao thông, gây mất an ninh trật tự và buộc trạm thu giá Sông Phan phải xả trạm.
Cụ thể: Ngày 6-1 xả trạm một lần từ 18 giờ 15 phút đến 19 giờ 27 phút; ngày 13-1 xả trạm bốn lần: Lần 1 từ 9 giờ 45 phút đến 10 giờ 15 phút; lần 2 từ 12 giờ 5 phút đến 13 giờ 28 phút; lần 3 từ 20 giờ 10 phút đến 20 giờ 30 phút và lần 4 từ 21 giờ 10 phút đến 21 giờ 45 phút; ngày 14-1 xả trạm 4 lần: Lần 1 từ 16 giờ 37 phút đến 17 giờ 30 phút; lần 2 từ 21 giờ 5 phút đến 21 giờ 30 phút; lần 3 từ 21 giờ 57 phút đến 22 giờ 33 phút và lần 4 từ 23 giờ 2 phút đến 23 giờ 30 phút…
Kiến nghị của người dân địa phương vùng lân cận trạm là thực hiện miễn giá ngay; mức miễn giá là 100% cho tất cả loại phương tiện (xe chính chủ và xe không chính chủ) và mở rộng bán kính vùng miễn, giảm giá lên 10 km.
Được biết chiều 16-1, Chi nhánh 319 Sông Phan đã có văn bản giảm giá từ 0 giờ cho khoảng 400 phương tiện cho người dân lân cận từ 40% đến 50%. Tuy nhiên, tối 15-1, người dân vẫn đưa xe ra chiếm các làn đường phản đối buộc trạm này phải xả hai lần.
UBND tỉnh Bình Thuận cũng cho biết tại trạm BOT Sông Lũy, người dân và các phương tiện tham gia giao thông cũng đã nhiều lần tụ tập, phản đối bằng nhiều hình thức gây ùn tắc giao thông, gây mất an ninh trật tự và đề nghị trạm thu phí này phải xả trạm.
Cụ thể: Ngày 11-1 vào khoảng 16 giờ 8 phút có sự cố xảy ra tại trạm
gây hiện tượng ùn tắc giao thông kéo dài khoảng 500 m. Ngày 14-1 có 10 phương tiện đến trạm yêu cầu lãnh đạo trạm thực hiện giảm giá 100% cho xe khu vực gần trạm. Kiến nghị của người dân địa phương vùng lân cận là giảm giá 100% cho tất cả loại phương tiện (xe chính chủ và xe không chính chủ).
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, tỉnh đã đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam thương thảo với nhà đầu tư giảm giá cho các phương tiện của người dân trên địa bàn. Cụ thể: Giảm giá 40% vé tháng và vé lượt cho tất cả loại phương tiện thuộc xã Bình Tân và thị trấn Lương Sơn. Riêng các loại phương tiện thuộc xã Sông Lũy giảm 60% giá vé tháng và vé lượt.
Tuy nhiên, Bộ GTVT chỉ đồng ý giảm giá ở các xã Bình Tân, xã Sông Lũy và thị trấn Lương Sơn trong phạm vi bán kính 5 km. Tỉ lệ giảm giá: Xe không kinh doanh tỉ lệ giảm 50% và xe khác tỉ lệ giảm 40%. Thời điểm bắt đầu thực hiện giảm giá: 00 giờ ngày 10-1. Và theo báo cáo, sau khi thực hiện giảm giá tại Trạm BOT Sông Lũy, người dân địa phương vẫn tiếp tục phản đối.
Trạm BOT Sông Phan liên tục xả trạm do bị các tài xế phản đối.
Tỉnh Bình Thuận giao Sở GiTVT tham mưu UBND tỉnh tiếp tục có văn bản kiến nghị Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam giải quyết việc tăng mức miễn, giảm giá vé cho tất cả các loại phương tiện (xe chính chủ và xe không chính chủ) và mở rộng bán kính vùng miễn, giảm giá lên 10 km.