Vụ cựu giám đốc BV Thủ Đức Nguyễn Minh Quân chi 60 tỉ đồng để “chạy án” vừa tạm khép lại với bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội kết án sáu người, trong đó có hai cựu cán bộ C03, Bộ Công an. Tuy nhiên, dư luận vẫn chưa thôi thắc mắc, rằng tiền ở đâu mà cựu giám đốc bệnh viện lại chi ra nhiều đến thế và vì sao ông này vẫn thoát tội đưa hối lộ…
Trong buổi sáng Chủ nhật, bên bàn cà phê, gấp tờ báo có đăng tin vụ “chạy án”, giám đốc một doanh nghiệp nhỏ nói vui: “Kể từ lúc khởi nghiệp đến nay, sau tám năm, sản nghiệp tôi vẫn chưa qua con số 200 tỉ đồng. Ông ấy (chỉ ông Quân - NV) không kinh doanh, chỉ làm công ăn lương mà bỏ ra ngần ấy tiền để “chạy án”, đủ biết ông ấy giàu cỡ nào!”.
|
Phiên xử vụ cựu giám đốc BV Thủ Đức chi hơn 2,6 triệu USD để "chạy án". Ảnh: UYÊN TRANG |
Trong số sáu người bị đưa ra xét xử, bị cáo Bùi Trung Kiên (cựu cán bộ C03, Bộ Công an) bị phạt chín năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; năm người còn lại bị kết án 3-9 năm tù, cùng về tội môi giới hối lộ. Như vậy, vụ án này không có ai bị xét xử tội nhận hối lộ, đồng nghĩa với việc không có người nào nhận tiền hoặc hứa hẹn sẽ nhận tiền để “chạy án” cho ông Quân. Đó cũng là điều an ủi và là niềm vui sót lại trong vụ án này.
Riêng ông Quân, người bỏ ra 60 tỉ đồng để “chạy án”, được xác định là bị hại, nghĩa là ông đã thoát tội đưa hối lộ. Đó là điều khiến dư luận đặt dấu hỏi.
|
Cựu giám đốc BV Thủ Đức Nguyễn Minh Quân. Ảnh: CACC |
Theo tòa, hành vi của ông Quân có dấu hiệu cấu thành của tội đưa hối lộ. Tuy nhiên, trước khi sự việc bị phát giác, ông Quân đã tự nguyện làm đơn tố giác với Cơ quan CSĐT Bộ Công an. Mặt khác, ông Quân đã bị khởi tố bị can và bắt tạm giam trong vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại BV Thủ Đức. Do đó, tòa cho rằng không xem xét xử lý đối với ông Quân về tội đưa hối lộ là phù hợp. Tuy vậy, số tiền nhờ “chạy án” là số tiền vi phạm pháp luật nên tòa tuyên buộc tịch thu sung công.
Căn cứ pháp lý cơ quan tố tụng viện dẫn là khoản 7 Điều 364 BLHS 2015 và Điều 5 Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.
Theo khoản 7 Điều 364 BLHS, người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Còn theo khoản 6 Điều 2 Nghị quyết 03/2020 thì chủ động khai báo trước khi bị phát giác là trường hợp hành vi phạm tội đưa hối lộ chưa bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện, chưa bị ai tố giác nhưng người đưa hối lộ đã tự khai báo toàn bộ sự việc đưa hối lộ mà mình thực hiện.
Có thể thấy căn cứ pháp lý mà cơ quan tố tụng áp dụng để miễn trách nhiệm hình sự cho ông Quân là không sai. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thắc mắc là tại sao cũng đưa hối lộ, cũng chủ động khai báo trước khi bị lộ mà có người bị xử (như Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”; Ngô Anh Quốc, trong vụ VN Pharma...), còn ông Quân thì không. Đó là chưa nói nếu so sánh với những tình tiết, hành vi của các vụ khác thì trường hợp “chạy án” của ông Quân còn quyết liệt hơn, nhiều lần hơn.
Lần thứ nhất, khi đưa cho bị cáo Nguyễn Trung Kiên 2,2 triệu USD mà vẫn không có kết quả, ông Quân đã đòi lại. Sau đó, lần thứ hai, ông Quân tiếp tục thông qua trung gian để gặp Trần Văn Long và Bùi Thị Hồng Giang đặt vấn đề nhờ “chạy án”. Ông đã nhiều lần đưa tiền cho nhóm của Giang và Long, tổng cộng hơn 1,6 triệu USD…
Thật ra quy định tùy nghi như khoản 7 Điều 364 BLHS cũng có cái hay, đó là dành cho các cơ quan tiến hành tố tụng chủ động đánh giá tính chất, mức độ của từng trường hợp cụ thể mà áp dụng biện pháp xử lý khoan hồng (miễn trách nhiệm hình sự) cho người phạm tội. Nhưng điều luật này cũng mang lại nhiều băn khoăn về khả năng dẫn đến sự không thống nhất trong nhận thức và áp dụng biện pháp miễn khoan hồng này. Đó là lý do vì sao sau vụ án của ông Quân, có nhiều người bày tỏ băn khoăn, thắc mắc.